Chiều 18/3, Tổ chức Động vật Châu Á đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Học sinh chung tay bảo vệ gấu” cho 100 tác giả nhí có tranh vẽ đẹp và sáng tạo nhất tại Trường tiểu học Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - địa bàn đang tồn tại nạn nuôi nhốt gấu lấy mật lớn nhất ở miền Bắc.
Cuộc thi “Học sinh chung tay bảo vệ gấu” do Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức phát động từ ngày 8/1, nhằm chia sẻ thông điệp “gấu vốn là loài động vật hoang dã quí hiếm sống tự do trong thiên nhiên, không phải để con người săn bắt nuôi nhốt trong các chuồng cũi nhỏ suốt đời, bị chọc kim vào bụng để lấy mật.”
Sau hơn hai tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 1.082 tác phẩm ảnh dự thi. Mặc dù, các bức tranh được thể hiện sáng tạo qua nhiều màu sắc khác nhau, nhưng đều gửi gắm những thông điệp bảo vệ loài gấu hoang dã như: gấu nên được sống trong tự do với trong rừng với dưới tán rừng, những giọt nước mắt của gấu phải chịu đựng sự tàn bạo trong các cũi sắt, nỗi đau của gấu khi bị lấy dịch mật...
Qua đó, Ban tổ chức đã lựa chọn 100 tác phẩm vẽ đúng tiêu chí và xuất sắc nhất để trao giải thưởng; trong đó có 10 giải nhất (mỗi giải trị giá 500.000 đồng), 20 giải nhì (mỗi giải trị giá 300.000 đồng), 20 giải ba (mỗi giải 200.000 đồng) và 50 giải khuyến khích (mỗi giải 100.000 đồng). Ngoài ra, toàn bộ 100 tác giả nhí và một số thầy cô giáo của các em học sinh tham gia dự thi sẽ được đi thăm “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chia sẻ tại buổi lễ, tiến sỹ Jill Robinson MBE, Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, với thông điệp “gấu không để con người săn bắt, nuôi nhốt, bị chọc kim vào bụng để lấy mật,” chúng tôi tin tưởng cuộc thi sẽ giúp nâng cao nhận thức của thế hệ tương lai trong việc bảo vệ gấu và các loài động vật hoang dã, chấm dứt việc gây đau đớn khi lạm dụng động vật, góp phần bảo tồn hệ sinh học đa dạng của Việt Nam.
“Và đặc biệt là, cuộc thi sẽ kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, nhất là các chủ nuôi sớm ngừng việc nuôi nhốt gấu lấy mật, để giải thoát hơn 200 cá thể gấu đang phải sống mòn trong đau đớn tại 37 trại gấu chẳng xa cổng trường học của các em tại xã Phụng Thượng, Hà Nội,” tiến sỹ Jill Robinson MBE nói.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan cũng nhấn mạnh, sử dụng mật gấu làm thuốc là một điều vô nghĩa. Do đó, chúng ta không nên để những chú gấu phải chịu đựng vì tư tưởng sai trái này. Rất nhiều cá thể gấu phải chết hoặc sống trong những điều kiện tồi tệ và việc khai thác gấu lấy mật cũng là phạm pháp ở Việt Nam.
“Chứng kiến các em nhỏ chia sẻ và cùng muốn chấm dứt ngược đãi động vật khiến tôi rất vui. Tôi kỳ vọng rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, để việc thực hiện những quy định pháp luật sẽ có hiệu quả và tôi tin tưởng rằng thế hệ các em học sinh sẽ hiểu và hành động khi chứng kiến sự chịu đựng của những con vật này," Đại sứ Nienke Trooster nhấn mạnh./.