10 vấn đề đang chờ đợi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Tạp chí Chính trị Thế giới đã dự báo 10 vấn đề Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ đối mặt năm 2021 trong bối cảnh nước Mỹ có tổng thống mới và dịch COVID-19 vẫn hoành hành.
10 vấn đề đang chờ đợi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP)

Tạp chí Chính trị Thế giới số đã dự báo 10 vấn đề Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ đối mặt trong năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng và đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden chắc chắn sẽ đóng vai trò tích cực hơn tại Hội đồng Bảo an so với chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong 4 năm qua, Mỹ luôn thúc ép các nước thành viên khác phải gia tăng sức ép đối với Iran và Venezuela, và các đại diện của Mỹ tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York dường như không nhận được chỉ đạo, quyết sách gì của Washington.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden và bà Linda Thomas-Greenfield, người được ông đề cử là Đại sứ của Mỹ tại Liên hợp quốc, đều là những người coi trọng cơ chế đa phương, nên chắc chắn sẽ lựa chọn con đường hợp tác mang tính xây dựng hơn với các nước khác.

Thứ hai, Hội đồng Bảo an sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột. Dù có rất nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn Mỹ sẽ ưu tiên thúc đẩy Liên hợp quốc tập trung giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vốn đang chứng kiến nhiều cuộc tranh cãi mới.

Mùa Hè vừa qua, chính quyền của ông Trump đã ngăn cản nghị quyết do Đức dự thảo kêu gọi Tổng Thư ký Antonio Guterres cung cấp cho Hội đồng Bảo an thêm dữ liệu về vấn đề này.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Biden đã cam kết giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu như một phần trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông. Vì vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ ủng hộ nỗ lực của Hội đồng Bảo an trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xung đột.

[LHQ kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an để ứng phó khủng hoảng hiệu quả hơn]

Thứ ba, 2021 sẽ là cơ hội thứ hai để Hội đồng Bảo an chứng tỏ nỗ lực ứng phó của mình đối với đại dịch COVID-19. Hội đồng Bảo an đã phản ứng khá tệ và chậm với đại dịch trong năm 2020 do bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ khi không thể ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu sớm hơn.

Mặc dù thế giới giờ đây đã bắt đầu có vắcxin, nhưng những dư chấn về kinh tế, chính trị, xã hội của đại dịch chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất ổn và chính quyền của ông Biden có thể đóng vai trò đầu tàu kêu gọi hợp tác giải quyết đại dịch, nỗ lực giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc thông qua kêu gọi các nước ủy viên Hội đồng Bảo an chung tay giải quyết các nguy cơ một cách nghiêm túc hơn.

Thứ tư, Nga và Trung Quốc sẽ có phản ứng đối với cách tiếp cận mới của Mỹ tại Liên hợp quốc.

Mặc dù Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước trong Hội đồng Bảo an khi đưa ra những sáng kiến liên quan vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch, song các đối thủ lớn của Mỹ sẽ không dễ dàng công nhận những nỗ lực đó. Mỹ và Nga chắc chắn sẽ vẫn bất đồng trong vấn đề Syria và Ukraine.

Về phần mình, Trung Quốc đã cho thấy họ muốn hợp tác với một chính quyền Mỹ mới bớt kỳ thị Bắc Kinh và dễ đoán định hơn. Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ và các đồng minh sẽ vẫn đưa ra nhiều vấn đề không hề dễ dàng trên các diễn đàn của Liên hợp quốc, ví dụ như cách đối xử của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ.

Thứ năm là cuộc chiến xung quanh vấn đề viện trợ cho Syria. Đây là vấn đề Nga và Mỹ luôn bất đồng tại Hội đồng Bảo an. Hồi năm 2014, Hội đồng Bảo an cho phép các cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc phân phối hàng cứu trợ cho cả các khu vực do lực lượng đối lập chính phủ Syria nắm giữ mà không cần Damascus cấp phép.

Thế nhưng, Moskva đã thúc đẩy để việc này không được tiếp tục kể từ cuối năm 2019 và từ mùa Hè năm nay, Hội đồng Bảo an chỉ cho phép các xe cứu trợ đi qua con đường duy nhất là qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để tới Tây Bắc Syria.

Hiện các quan chức Liên hợp quốc và các thành viên Hội đồng Bảo an lo ngại Moskva có thể sẽ dùng quyền phủ quyết để dừng viện trợ cho Syria, trừ khi những chuyến hàng viện trợ này được chính phủ Syria cấp phép trong phiên họp gia hạn nghị quyết liên quan vào tháng Bảy tới.

Thứ sáu là tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc có thể sẽ đụng độ Ấn Độ, nước vừa tham gia Hội đồng Bảo an trong vai trò Ủy viên không thường trực kể từ 2021.

Hai nước này đã tranh cãi với nhau ngay từ khi mới ngồi thảo luận chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an cho năm 2021. Vì vậy, khả năng hai nước sẽ tiếp tục tranh cãi và bất đồng là rất cao. Trung Quốc và Ấn Độ vốn đã bất đồng vì khu vực Himalaya từ năm ngoái.

Thứ bảy, số lượng đại diện Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị thu hẹp tại Hội đồng Bảo an bởi nước Anh không còn trong khối này. Tuy nhiên, Anh vẫn khá thân với các đồng minh châu Âu, cộng thêm với những cam kết của chính quyền ông Biden là sẽ hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nên nhiều khả năng EU cũng sẽ không phải đối mặt với nhiều trắc trở tại Hội đồng Bảo an trong thời gian tới.

Thứ tám là những câu hỏi đặt ra xung quanh tương lai của lực lượng gìn giữ hòa bình. Một số quan chức Liên hợp quốc cho rằng nhiều phái bộ gìn giữ hòa bình hiện hoạt động không còn hiệu quả và Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận để thu hẹp quy mô hai phái bộ lớn nhất hiện nay là ở Mali và Cộng hòa Dân chủ Congo, bởi sau một thời gian dài, tình hình bạo lực tại hai quốc gia này không hề có dấu hiệu thuyên giảm.

Tất nhiên, Hội đồng Bảo an sẽ phải cân nhắc cả những rủi ro có thể xảy ra nếu thu hẹp quy mô hai phái bộ này.

Thứ chín, 2021 là cơ hội để Liên hợp quốc tăng cường quan hệ với Liên minh châu Phi (AU). Các đại diện châu Phi trong Hội đồng Bảo an gồm Kenya, Niger và Tunisia có thể hy vọng đề xuất lại với Liên hợp quốc về việc hỗ trợ tài chính cho các phái bộ gìn giữ hòa bình của AU, một vấn đề mà chính quyền của ông Trump đã không ủng hộ và ngăn cản.

Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều rào cản kỹ thuật khiến một đề xuất như vậy khó có thể trở thành hiện thực.

Thứ mười, Hội đồng Bảo an sẽ phải lựa chọn người kế nhiệm vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ông Antonio Guterres sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào cuối năm 2021, cho nên Hội đồng Bảo an phải cân nhắc sẽ để ông Guterres tiếp tục tại nhiệm hay lựa chọn người mới thay thế. Bản thân ông Guterres cũng chưa bày tỏ ý định có muốn duy trì thêm một nhiệm kỳ nữa hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục