Ngày 28/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý dự án Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) và Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giới thiệu về giai đoạn 2 của Chương trình IPP và trao đổi các cơ hội hợp tác với các đối tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Lương Văn Thắng, điều phối viên Chương trình IPP, giai đoạn 2 của chương trình sẽ được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018, với tổng kinh phí 10 triệu euro từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Phần Lan.
Mục tiêu trong giai đoạn này là nâng cao nhận thức của người làm chính sách, các doanh nghiệp trong thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới sự phát triển bền vững ở trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Tại hội thảo, ông Lauri Laakso, Cố vấn trưởng Chương trình IPP đã thông tin những nét cơ bản về chương trình, những hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2.
Đối với đơn vị có kế hoạch khởi nghiệp, Chương trình IPP sẽ hỗ trợ các nội dung chính như tài trợ đổi mới sáng tạo, kết nối đầu tư để hỗ trợ nguồn nhân lực cho những giai đoạn đầu tiên của hoạt động sáng tạo; cho vay dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo để mở rộng quy mô các dự án; tạo điều kiện tiếp cận các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế; khóa đào tạo đổi mới sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh để nâng cao năng lực cho nhóm dự án; kết nối các nguồn lực khác để phát triển doanh nghiệp, vươn ra thị trường quốc tế…
Theo ông Lauri Laakso, ngoài tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, Chương trình sẽ tập trung tư vấn để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp cần có định hướng ban đầu đúng đắn để khởi nghiệp. Sau đó các doanh nghiệp này phải có sự linh hoạt, cụ thể là những đổi mới sáng tạo thì mới phát triển mạnh mẽ được.
Hiện nay, việc liên kết, kết nối để huy động mọi nguồn lực đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới sáng tạo. Các công cụ của IPP cũng được thiết kế để thu hút tài trợ thêm từ những nguồn bên ngoài, kết nối với các cơ hội hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở cấp độ quốc gia và địa phương cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2014, Chương trình có tổng kinh phí khoảng 8 triệu euro, tập trung vào các mục tiêu chính như hỗ trợ hoàn thiện một số văn bản pháp lý về khoa học công nghệ; xây dựng chương trình quản lý khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; tổ chức các khóa đào tạo cho khối quản lý; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước Việt Nam-Phần Lan./.