10 tác phẩm đoạt giải Pulitzer xứng đáng được chuyển thể thành phim

Dưới đây là 10 câu chuyện, chủ yếu thuộc về các tờ báo nổi tiếng, từng giành giải Pulitzer danh giá, mà các nhà làm phim Hollywood nên cân nhắc để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.
(Nguồn: kolotv.com)

Giới báo chí đã có một đêm tuyệt vời ở lễ trao giải Oscar lần thứ 88 vừa qua. Giải Phim hay nhất và Kịch bản xuất sắc nhất đều đã thuộc về "Spotlight" - bộ phim nói về cuộc điều tra của The Boston Globe về vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong nhà thờ Công giáo​. The Boston Globe từng giành được giải Pulitzer nhờ cuộc điều tra này.

Năm ngoái, phim tài liệu “Citizen Four” cũng giành giải thưởng Phim tài liệu xuất sắc nhất. Đó chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện báo chí được chuyển thể thành phim và được đón nhận.

Sau khi tác phẩm “All the President’s Men” giành được nhiều giải thưởng năm 1977, những bộ phim chuyển thể từ những câu chuyện báo chí tăng đột biến. "Spotlight" cũng vấp phải nhiều chướng ngại trước khi công chiếu do nội dung nói về một chủ đề đen tối.

Roy J. Harris, tác giả cuốn sách “Pulitzer’s Gold” nói về lịch sử giải thưởng Pulitzer đã nhận định: “Nếu một câu chuyện như vậy được chuyển thể thành công thì tương lai cho những câu chuyện khác rất rộng mở.”

Dưới đây là 10 câu chuyện đã giành giải Pulitzer mà Hollywood có thể cân nhắc làm thành phim.

1. 1921, The Boston Post

Năm 1921, báo Boston Post đã giành giải Pulitzer nhờ “câu chuyện về một nghệ sỹ lừa đảo trong những năm 1920 mà tên tuổi đã trở nên nổi tiếng trong mỗi hộ gia đình.” Đó là Charles Ponzi - người được coi như cha đẻ của phương thức lừa đảo đa cấp.


2. 1927, Canton Daily News

Tờ nhật báo của bang Ohio đã giành giải Pulitzer năm 1927 nhờ cuộc đấu tranh "dũng cảm, hiệu quả và đầy lòng yêu nước" nhằm chấm dứt sự thông đồng giữa chính quyền thành phố và tội phạm, cuộc chiến đã dẫn đến một kết quả bi kịch với vụ ám sát chủ biên tờ báo - Don R. Mellett.

Khi đó, Mellett đang điều tra về hoạt động của băng nhóm tội phạm ở Canton. Biết được điều này, những tên tội phạm đã sát hại Mellett ngay trước mặt vợ ông.

3. 1970, Dispatch News Service

Phóng sự điều tra của Seymour Hersh về cuộc chiến tranh Việt Nam và cuộc thảm sát Mỹ Lai đã giúp ông đoạt giải Pulitzer phóng sự quốc tế. Harris nhận định đây là câu chuyện về một phóng viên biết được sự thật kinh khủng và nỗ lực phơi bày nó.

Bộ phim tài liệu có tên “Dateline: Saigon” ra mắt năm 2015 cũng đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa quan điểm của Lầu Năm Góc và các phóng viên chiến trường về cuộc chiến tại Việt Nam.

4. 1979, Point Reyes Light

Tờ tuần báo của California đã đoạt giải Pulitzer hạng mục dịch vụ công nhờ bài điều tra về Synanon, một cơ sở phục hồi chức năng bị biến thành một giáo phái. Chủ biên của tờ báo, Dave và Cathy Mitchell đã đưa câu chuyện này lên mặt báo.

5. 2007, “The Race Beat”

Chủ nhân giải Pulitzer hạng mục tác phẩm lịch sử năm 2007 được chuyển thể từ nghiên cứu của Gene Roberts và Hank Klibanoff về vai trò của báo chí trong việc vạch trần sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ thời kỳ sát nhập.

Theo ban tổ chức giải Pulitzer, đây là câu chuyện về​ báo chí quốc gia, sau nhiều thập kỷ lẩn tránh vấn đề đã nhận ra được sự quan trọng của cuộc đấu tranh về quyền công dân và biến điều đó thành sự kiện tin tức trong nước nổi bật nhất thế kỷ 20.

6. 2008, The Washington Post

Phóng sự điều tra của The Washington Post về bệnh viện Walter Reed là một câu chuyện tuyệt vời. Hội đồng giải Pulitzer nhận định cuộc điều tra đã vạch trần sự thật về việc các thương binh bị đối xử tàn tệ ở bệnh viện Walter Reed, làm dấy lên sự phản đối kịch liệt của công chúng và dẫn đến những cải cách do các quan chức liên bang đưa ra.

Các nhà báo của The Washington Post nhận giải thưởng Pulitzer với phóng sự điều tra về bệnh viện Walter Reed. (Nguồn: pulitzer.org)

7. 2003, Los Angeles Times

Nhà báo Sonia Nazario đã thắng giải Pulitzer nhờ câu chuyện về hành trình đi tìm mẹ của một cậu bé có tên Enrique từ Honduras tới Mỹ.

Nói về những khó khăn khi viết bài báo, Nazario chia sẻ: “Một điều khó là làm thế nào để kể lại câu chuyện này mà gây nguy hiểm ít nhất cho bản thân tôi. Tôi đã phải sống với nỗi sợ bị đánh đập, cướp giật và cưỡng bức thường trực suốt nhiều tháng liền. Tôi từng bám trên nóc một chiếc xe chở nhiên liệu suốt một đêm mưa gió và sấm chớp. Tôi bị cành cây đập vào người và suýt rơi xuống từ nóc tàu. Tôi từng phỏng vấn một cô gái bị cưỡng bức tập thể dọc đường sắt ở Ixtepec, Oaxaca và nhận ra tôi đã ở đúng chỗ đó một mình chỉ một ngày trước đó. Ở Rio Grande, tôi rất lo sẽ gặp phải “những kẻ cướp trên sông” và cảnh sát Mexico đã rút súng ra khi thấy tôi. Nhưng những điều đó cũng chẳng thể so được với những gì mà người nhập cư phải trải qua trên hành trình ấy.”

8. 2011, Los Angeles Times

Tờ Los Angeles Times đã giành giải Pulitzer nhờ bài điều tra về nạn tham nhũng ở thành phố Bell, nơi quan chức cắn xé ngân quỹ để trả lương cao ngất cho chính bản thân họ. Bài viết dẫn đến nhiều vụ bắt giữ và cải cách.


9. 2013, “Phía sau vẻ đẹp trường tồn: Sự sống, Cái chết và Hy vọng ở thành phố ngầm dưới Mumbai”

Cuốn sách có tên nêu trên của tác giả Katherine Boo đã đoạt giải Pulitzer năm 2013 cho hạng mục tác phẩm phi hư cấu.

Cuốn sách đưa người đọc đến với một khu ổ chuột ở Ấn Độ nằm dưới cái bóng của những khách sạn sang trọng gần sân bay thành phố Mumbai, thể hiện một tiểu văn hóa phức tạp, nơi cái nghèo không thể tiêu diệt được khát vọng.

10. 2015, The Post and Courier

Tờ báo của thành phố Charleston đã có một năm bận rộn với nhiều câu chuyện tin tức lớn. Năm 2015, tờ báo đã đoạt giải Pulitzer hạng mục dịch vụ công với tác phẩm điều tra “Till Death Do Us Part” (Tới khi cái chết chia lìa chúng ta), cho thấy vì sao thành phố lại là một nơi nguy hiểm chết người với phụ nữ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục