10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014

Ngày 29/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 với nhiều cột mốc đáng chú ý.
10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 ảnh 1Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là khu đất ngập nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 29/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 với nhiều cột mốc đáng chú ý.

Trong đó phải kể đến việc Chính phủ cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám phủ trùm toàn bộ vùng biển-hải đảo Việt Nam; công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai…

Vietnam+ xin giới thiệu với độc giả toàn bộ 10 sự kiện nổi bật:

1. Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014; công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai.

Triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014.

Song song với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và công bố các thủ tục hành chính mới về lĩnh vực đất đai gồm 41 thủ tục đối với văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 30 thủ tục so với trước đây, 62 thủ tục đối với địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 9 thủ tục so với trước đây.

2. Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là khu đất ngập nước.

Ngày 1/11, tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, do tổ chức công ước Ramsar trao tặng.

Đây là khu đất Ramsar có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam và là khu Ramsar đầu tiên của nước ta. Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển đặc sắc và hiếm có trên thế giới được đưa vào danh sách hệ thống các khu vực biển quan trọng cần được bảo vệ trên phạm vi toàn cầu, là khu vực trọng điểm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia Việt Nam.

3. Lần đầu tiên các địa phương tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

Với việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, năm 2014, cả địa phương đã tính tiền cấp quyền để thu 5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản căn cứ theo yêu cầu trữ lượng, chất lượng khoáng sản nằm trong lòng đất đã góp phần nâng cao công tác về quản lý nhà nước về khoáng sản.

4. Việt Nam chính thức gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy.

Việt Nam là quốc gia thứ 35 tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và chính thức đưa Công ước có hiệu lực sau gần 20 năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

Công ước này có hiệu lực từ ngày 17/8/2014.

5. Công bố 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng và đưa vào vận hành trong mùa lũ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 5/12, tại Tỉnh ủy Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố “Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai” trong mùa lũ hàng năm, theo QĐ số 1892/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là quy trình vận hành liên hồ chứa thứ 11 và là một quy trình được đánh giá có quy mô lớn, cách thức vận hành khá phức tạp gồm 15 hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, liên quan tới 8 địa phương từ đầu nguồn là tỉnh Lâm Đồng tới hạ lưu là Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 ảnh 2Hình minh họa. (Nguồn: TTXVN)

6. Hoàn thành Báo cáo cập nhật hai năm một lần, lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Báo cáo gửi đến Ban Thư ký Công ước khí hậu tại Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức tháng 12/2014 tại Lima, Peru. Báo cáo này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban Thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu từ ngày 8/12/2014.

Việt Nam là một trong ba nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới hoàn thành Báo cáo, góp phần thực hiện tốt nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam trong việc tham gia thực hiện Công ước.

7. Lần đầu tiên thành phố Hà Nội hoàn thành vượt mức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở.

Trong năm 2014, thành phố hà Nội đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, đến nay đạt 66,9% diện tích cần cấp.

Cụ thể, Hà Nội đã cấp 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, gần 6.000 giấy đối với hộ gia đình, cá nhân và trên 40.000 giấy chứng nhận đã được cấp cho các hộ gia đình mua nhà tại các dự án phát triển nhà.

8. Lần đầu tiên hoàn thành hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám phủ trùm toàn bộ vùng biển và hải đảo Việt Nam.

Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường đã xây dựng bộ bản đồ chuyên đề về lớp phủ bề mặt tỷ lệ 1:50:000 cho vùng ven biển và các đảo nổi; hệ thống bản đồ chuyên đề kèm theo các bộ số liệu về các yếu tố vật lý, hóa học, sinh vật và môi trường biển, hải đảo cho toàn bộ vùng lãnh hải Việt Nam; hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Đặc biệt, ngành này đã thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000 vùng quần đảo Hoàng Sa tỷ lệ 1:25.000 các đảo nổi và bãi đá ngầm độ sâu đến 10m.

10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: Sơn Bách/Vietnam+)

9. Giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ.

Nghị định số 51/2014/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

10. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong toàn ngành, văn phòng một cửa hoạt động trở lại tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong năm 2014, cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đã được hoạt động trở lại tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần nâng cao hiệu lực công tác chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục