10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017

Ngành giáo dục đã khép lại năm 2017 với nhiều mảng màu sáng-tối. Sau đây là sự kiện giáo dục nổi bật do phóng viên VietnamPlus bình chọn.
Thành tích kỷ lục của các đội tuyển Olympic quốc tế
Năm 2017 là một năm thành công của Việt Nam ở đấu trường Olympic quốc tế khi các đội tuyển Olympic quốc tế đều đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay. 

Lần đầu tiên Việt Nam giành huy chương vàng nội dung Khoa học tại kỳ thi Toán và Khoa học Quốc tế 2017 sau nhiều năm tham gia.

Lần đầu tiên một thí sinh Việt Nam đạt 55% điểm thực hành và 75% điểm lý thuyết trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.

Lần đầu tiên Việt Nam giành đến 4 huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế, xếp thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có thí sinh dự thi. Đây là thành tích tốt nhất trong suốt 41 năm dự thi của Việt Nam.

Đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Hóa học quốc tế cũng xác lập kỷ lục thành tích trong năm 2017. Cả 5 thành viên của đội tuyển Vật lý đều giành giải với 4 huy chương vàng và một huy chương bạc. Bốn thí sinh đội Hóa học cũng giành ba huy chương vàng, một huy chương bạc.

[Việt Nam đạt thành tích kỷ lục trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 1

 Thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học
Năm 2017 cũng là năm nhiều trường đại học đạt kỷ lục về điểm chuẩn đầu vào với mức điểm cao ngất ngưởng, thậm chí thí sinh đạt đến 30 điểm vẫn trượt đại học.

Điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội năm nay là 29,25 điểm, là mức điểm chuẩn kỷ lục của trường.

Mức điểm thấp nhất để đỗ ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân dành cho nữ, khối D1, thậm lên tới 30,5 điểm. Điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ, phía Bắc, của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. 

Điểm thi quá cao đã khiến các trường đại học phải đau đầu chọn thêm đến ba, bốn tiêu chí phụ để loại bớt các thí sinh bằng điểm nhau. 

Điểm cao nhưng các trường đại học cho rằng không đồng nghĩa với chất lượng thí sinh tốt lên mà do đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã chưa đạt yêu cầu về việc phân hóa thí sinh. Đề thi được đánh giá là dễ, dẫn đến “mưa điểm 10” với hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10, gấp khoảng 60 lần so với số điểm 10 của kỳ thi năm 2016.

Đề thi dễ cũng làm lộ rõ bất cập về cộng điểm ưu tiên giữa các đối tượng, các vùng miền. Tiêu biểu như trường hợp thí sinh Nguyễn Phùng Hưng (Thạch Thất, Hà Nội) đạt 29,25 điểm nhưng vẫn trượt Đại học Y Hà Nội trong khi có thí sinh kém Hưng 3 điểm thi vẫn đỗ vì được cộng nhiều điểm ưu tiên.

[Điểm chuẩn quá cao, thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 2
Điểm chuẩn sư phạm rớt thảm, Bộ Giáo dục họp khẩn
Trong khi các ngành học khác điểm chuẩn lên cao chót vót thì nhiều trường sư phạm lại lội ngược dòng, điểm chuẩn rơi chạm đáy. 

Trừ một số đại học lớn như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các trường sư phạm đều rớt thảm. Nhiều trường điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn, 15,5 điểm, mức điểm tối thiểu để được tuyển sinh. 

Các trường cao đẳng sư phạm chỉ lấy 9 điểm cho cả ba môn thi. Điểm hạ tối đa nhưng một số ngành thậm chí vẫn không tuyển được sinh viên.

Điều này đã khiến dư luận xã hội lo ngại về chất lượng giáo viên tương lai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải họp khẩn để bàn cách giải cứu ngành sư phạm.

[Ngành sư phạm rớt thảm, Bộ Giáo dục họp khẩn]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 3
Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Cuối tháng 7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Theo đó, chương trình giáo dục sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm) các năng lực cốt lõi (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thể mỹ, thể chất).

Chương trình tổng thể là căn cứ để soạn thảo chương trình giáo dục từng môn học, dự kiến sẽ được Bộ công bố vào đầu năm 2018.


[Chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 4(Ảnh minh họa: TTXVN)
Lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
Với trên 82% đại biểu tán thành, Quốc hội đã đồng ý lùi thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tối đa là hai năm so với kế hoạch ban đầu và thay đổi lộ trình thực hiện. 

Theo đó, chương trình mới sẽ áp dụng theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Việc này nhằm giúp ngành giáo dục và các địa phương có thêm thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ đổi mới.


[Thời gian thực hiện chương trình giáo dục mới có thể lùi hai năm]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 5(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
Bạo lực học đường khiến Thứ trưởng Bộ Giáo dục kinh hoàng
Bạo lực học đường là vấn đề không mới và vẫn tiếp tục nóng trong năm 2017 với hàng loạt vụ việc gây bức xúc dư luận.

Điển hình là việc đánh hội đồng bạn ngay trên bục giảng của các học sinh nữ trường Trung học cơ sở Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Bức xúc hơn nữa là tình trạng  bạo hành trẻ của các giáo viên mầm non. Tại thủ đô Hà Nội, giáo viên mầm non nhóm lớp tư thục Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dùng dép đánh vào đầu và thúc đầu gối vào bụng trẻ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bảo mẫu của cơ sở Mầm xanh dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non. Vụ việc gây phẫn nộ cả nước. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phải thốt lên: “Tôi rất kinh hoàng!”

[Đủ điều kiện khởi tố hình sự vụ bạo hành trẻ cơ sở Mầm xanh]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: dpshots.com)
Học sinh “cõng” trên 30 khoản thu tự nguyện
Tình trạng lạm thu tiếp tục là một chủ đề nóng của giáo dục trong năm 2017 thời điểm đầu năm học mới. Khắp nơi, từ Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp… phụ huynh đều kêu cứu vì bị nhà trường lạm thu.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc và phát hiện, ở nhiều trường có danh sách các khoản đóng góp dài dằng dặc như tờ sớ. Theo quy định, học sinh chỉ phải đóng góp khoản bắt buộc duy nhất là học phí, nhưng trên thực tế, các em phải “cõng” thêm đến trên 30 khoản tiền khác.

Các khoản tiền này đều được các trường gắn mác tự nguyện. Ở nhiều trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đã trở thành cánh tay nối dài để hiệu trưởng tận thu khiến nhiều ý kiến cho rằng nên giải tán ban này. 

Trước bức xúc của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải tổ chức họp để nghiên cứu xem xét điều chỉnh điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm hạn chế tình trạng trên.

[Lá chắn tự nguyện và những chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 7Đơn tự nguyện in sẵn cho phụ huynh của trường Tiểu học Đặng Cương, Hải Phòng (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nóng vấn đề đời sống giáo viên
Tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất thí điểm chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động. Dư luận lập tức gây sóng với nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là gây tâm lý hoang mang cho hơn một triệu giáo viên cả nước.

Để các thầy cô yên tâm, tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải lên tiếng khẳng định đây chỉ là đề xuất của Bộ trưởng Nhạ và Chính phủ chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên. 

Tháng 7/2017, việc điểm chuẩn của các ngành sư phạm rơi xuống đáy. Vấn đề đời sống giáo viên lại được khơi lên như là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tháng 10/2017, cô Trương Thị Lan, giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn (Hà Tĩnh) bật khóc khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác, như một điển hình về vấn đề đời sống giáo viên.

Tháng 11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc nâng lương nhà giáo lên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Một lần nữa lương giáo viên lại trở thành chủ đề nóng trong dư luận xã hội.

[Lương hưu giáo viên mầm non thấp: Đóng ít, làm sao hưởng nhiều]

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 8(Ảnh minh họa: TTXVN)
Bảng xếp hạng đại học gây sốc
Năm 2017, lần đầu tiên tại Việt Nam, một bảng xếp hạng các trường đại học được công bố với thứ tự cụ thể, dựa trên nhiều tiêu chí rõ ràng.

Bảng xếp hạng gồm 49 trường, được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập với nhiều điều bất ngờ đã gây sốc cho nhiều người. Theo đó, những trường đại học thương hiệu hàng đầu, điểm đầu vào cao "chót vót" chỉ ở vị trí trung bình trong bảng xếp hạng.  Đại học Y Hà Nội Đại xếp thứ 20, Đại học Ngoại thương xếp thứ 23, Đại học Kinh tế Quốc dân thậm chí ở vị trí 30.

Trong khi trường ít tên tuổi hơn lại xếp vị trí cao. Đại học Tôn Đức Thắng, một trường trẻ (thành lập năm 1997), tiền thân là một trường ngoài công lập, đứng vị trí thứ 2, chỉ sau Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Bảng xếp hạng đã lập tức gây nhiều tranh cãi. Nhóm tác giả cũng cho biết việc thu thập dữ liệu gặp nhiều khó khăn và khẳng định đây chỉ là góc nhìn riêng của nhóm, có tính tham khảo.

[Tiêu chí xếp hạng các trường đại học Việt Nam]


10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 9Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu trong bảng xếp hạng 49 trường đại học. (Ảnh: vnu.edu.vn)

Sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp để sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.

Các điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục như xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp; miễn học phí cho bậc trung học cơ sở; nâng chuẩn giáo viên bậc tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng…

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng có nhiều thay đổi quan trọng như bỏ ghi bằng đại học tại chức; trường đại học được tự quyết mức học phí dựa trên giá dịch vụ; đưa sinh viên vào thành viên hội đồng trường; cho phép thành lập doanh nghiệp trong trường đại học..

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ mong có nhiều phản biện tích cực để khi Luật ban hành chính thức sẽ phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát triển đi lên.
[Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: Nhiều ý kiến trái chiều]


10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017 ảnh 10Thí sinh làm thủ tục xét tuyển vào Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục