10% người nhiễm HIV không rõ đường lây truyền

Con đường lây truyền HIV qua đường tình dục vẫn tiếp tục chiếm tỷ lệ 45,6%; tiếp đến là tỷ lệ người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS đầu năm 2012, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống là 258.867 trường hợp và đã có 61.579 trường hợp tử vong do AIDS.

Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS và tử vong giảm liên tiếp trong vòng 3 năm (từ năm 2007 đến hết năm 2010) và tăng nhẹ trong năm 2011.

Hiện cả nước có 43 cơ sở điều trị Methadone tại 11 tỉnh, thành phố với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 9.572 người.

Đến nay cả nước đã phát hiện người nhiễm HIV tại 78% xã, phường và 98% quận, huyện của 63/63 tỉnh, thành phố; nam giới chiếm 69%, nữ giới chiếm 31% số nhiễm HIV.

Theo các chuyên gia dịch tễ số người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 20-39 tuổi, chiếm 81% và tỷ lệ này hầu như không thay đổi nhiều trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong độ tuổi 30-39 đang có xu hướng gia tăng nếu năm 2011 chiếm tỷ lệ 43% đến đầu năm 2012 đã tăng lên là 46,7%.

Theo đó con đường lây truyền HIV qua đường tình dục vẫn tiếp tục chiếm tỷ lệ 45,6%; tiếp đến là tỷ lệ người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu và lây truyền từ mẹ sang con chiếm 2,4%...

Kết quả giám sát đã phát hiện tỷ lệ người nhiễm HIV được báo cáo chủ yếu là người nghiện ma túy, là 37,5%.

Như vậy còn khoảng 10% người nhiễm HIV/AIDS không rõ đường lây truyền.

Để tăng cường công tác can thiệp giảm tác hại, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng Hướng dẫn Quốc gia triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại trên cả nước, Hướng dẫn quản lý thuốc Methadone; hoàn thiện tài liệu đào tạo cho nhân viên tiếp cận cộng đồng trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; phối hợp với các đơn vị, hỗ trợ các tỉnh thực hiện các bước triển khai chương trình Methadone tại địa phương và các hoạt động can thiệp giảm tác hại nhân rộng tại cộng đồng.

Thời gian tới ngành y tế tiếp tục xây dựng hướng dẫn quốc gia triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại; hoàn thiện các tài liệu đào tạo chuyên môn kỹ thuật; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, phối hợp với địa phương trong việc hướng dẫn các tỉnh thực hiện các bước triển khai chương trình Methadone. Đồng thời rà soát, đảm bảo chất lượng số liệu giám sát ca bệnh; triển khai xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu HIV/AIDS tập trung; tăng cường quản lý giám sát hoạt động phòng xét nghiệm và quản lý sinh phẩm...

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục điều phối thuốc, kiểm tra, giám sát việc cung ứng thuốc tại các cơ sở điều trị; tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.../.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục