10 năm thảm họa Fukushima: An toàn hạt nhân vẫn là thách thức hàng đầu

Có nhiều bằng chứng cho thấy các yếu tố con người như sai sót của người vận hành và văn hóa an toàn kém đóng vai trò quan trọng dẫn tới thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.
Ứng cứu sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa kép động đất, sóng thần. (Ảnh: AFP)

Mười năm trước, vào ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh kỷ lục trong lịch sử Nhật Bản đã xảy ra ở bờ biển Đông Bắc nước này. Ngay sau đó, một thảm họa kép diễn ra khi đợt sóng thần cao hơn 43m quét sạch nhà cửa trong tích tắc trong phạm vi 10km sâu trong đất liền.

Thảm họa này đã khiến gần 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Nó cũng phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và khiến các vật liệu phóng xạ phát tán trên một khu vực rộng lớn. Thảm họa này buộc Nhật Bản phải tiến hành đợt sơ tán trên diện rộng, gây ra thiệt hại kinh tế to lớn và buộc chính phủ Nhật Bản phải tiến hành đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân trong nước. Một thập kỷ sau, ngành công nghiệp hạt nhân vẫn chưa hoàn toàn giải quyết các vấn đề an toàn mà nhà máy Fukushima hứng chịu.

Trong bài viết "10 năm thảm họa Fukushima: An toàn vẫn là thách thức hàng đầu của nhà máy điện hạt nhân," trang mạng The Conversation cho hay những báo cáo và điều tra đi đến kết luận rằng thảm họa Fukushima là do con người gây ra, xuất phát từ thiên tai, và hoàn toàn có thể tránh được.

Thiếu kế hoạch ứng phó

Sự kiện năm 2011 đã dẫn đến một thảm họa kép đối với nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đầu tiên, trận động đất độ lớn 9.0 cắt đứt nguồn điện cho nhà máy. Tiếp đó, trận sóng thần phá hủy bưc tường bảo vệ nhà máy và quét qua khu vực này. Tình trạng ngập lụt làm vô hiệu hóa hoạt động điều khiển, kiểm soát và chức năng làm mát tại nhiều khu trong nhà máy với 6 lò phản ứng hạt nhân. Bất chấp các nỗ lực hết mình của công nhân nhà máy, 3 lò phản ứng bị phá hủy nghiêm trọng tới lõi phản ứng và ba tòa nhà lò phản ứng còn lại bị phá hủy bởi các vụ nổ khí hydrogen.

Các vật liệu phóng xạ thoát ra ngoài nhà máy làm nhiễm xạ đất đai tại Fukushima và một vài tỉnh lân cận. Khoảng 165.000 người rời khỏi khu vực này và chính phủ Nhật Bản phải thiết lập một khu vực hạn chế xung quanh nhà máy với diện tích lên tới 807 km2 vào giai đoạn nghiêm trọng nhất.

Lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, quốc hội nước này thông qua đạo luật nhằm thiết lập một ủy ban quốc gia độc lập để điều tra các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến thảm họa này. Trong báo cáo, ủy ban này kết luận Ủy ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản chưa bao giờ hoạt động độc lập với ngành công nghiệp hạt nhân hay Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, cơ quan thúc đẩy năng lượng hạt nhân.

[Chính phủ Nhật thông qua chính sách mới về tái thiết khu vực thảm họa]

Về phần mình, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), có lịch sử coi thường vấn đề an toàn, đã đưa ra một đánh giá sai lệch về các nguy cơ sóng thần tại nhà máy Fukushima, trong đó đánh giá thấp đáng kể rủi ro này.

Sự kiện tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa, nằm cách Fukushima 64 km, lại là một câu chuyện hoàn toàn tương phản. Onogawa, thuộc sở hữu và điều hành của Công ty Điện lực Tohoku, ở gần chấn tâm của trận động đất hơn và bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần lớn hơn. Ba lò phản ứng đang hoạt động của nhà máy này cùng loại kiểu cũ với lò phản ứng ở Fukushima, và chịu sự giám sát, quản lý yếu kém giống nhau.

Nhưng nhà máy Onogawa đã đóng cửa một cách an toàn và không bị hư hại đáng kể. Điều này là do Tohoku đã xây dựng được bộ quy tắc an toàn chủ động và rõ ràng. Công ty này đã rút kinh nghiệm từ các trận động đất và sóng thần ở các khu vực khác - bao gồm cả thảm họa ở Chile vào năm 2010 - và liên tục cải thiện các biện pháp đối phó của mình, trong khi TEPCO coi thường và phớt lờ những cảnh báo này.

Xây dựng quy định và văn hóa an toàn

Theo báo cáo của NAIIC, trong vụ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các cơ quan quản lý Nhật Bản ''đã không kiểm soát hoặc giám sát an toàn hạt nhân.''

Quy định hiệu quả là cần thiết cho an toàn hạt nhân. Các nhà máy cũng cần tạo ra văn hóa an toàn nội bộ - một tập hợp các quan điểm và thái độ để đưa vấn đề an toàn trở thành ưu tiên hàng đầu. Đối với một lĩnh vực, văn hóa an toàn đóng vai trò giống như hệ miễn dịch của cơ thể con người, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh và chống lại bệnh tật.

Các chuyên gia đánh giá thiệt hại của nhà máy Fukushima sau thảm họa kép. (Ảnh: AFP)

Một nhà máy xây dựng văn hóa an toàn tích cực sẽ khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi và áp dụng phương pháp tiếp cận nghiêm túc và thận trọng cho tất cả công việc. Nó cũng thúc đẩy việc giao tiếp cởi mở giữa công nhân và quản lý. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mọi việc xảy ra tại TEPCO không như vậy.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các yếu tố con người như sai sót của người vận hành và văn hóa an toàn kém đóng vai trò quan trọng trong cả ba vụ tai nạn lớn xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân: Đảo Three Mile ở Mỹ năm 1979, Chernobyl ở Ukraine năm 1986 và Fukushima Daiichi vào năm 2011. Danh sách này có thể sẽ tăng lên nếu như các quốc gia hạt nhân không làm tốt hơn trên cả hai phương diện.

Cấp độ an toàn hạt nhân toàn cầu: Chưa đầy đủ

Ngày nay có khoảng 440 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới, với khoảng 50 lò đang được xây dựng ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nhiều người ủng hộ lập luận rằng trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng tăng về sản xuất điện không thải carbon, điện hạt nhân sẽ đóng một vai trò trong tổ hợp năng lượng tương lai của thế giới. Những người khác kêu gọi xóa bỏ điện hạt nhân, nhưng điều đó có thể không khả thi trong tương lai gần.

Ưu tiên cấp bách hiện nay là phát triển các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân chặt chẽ, theo định hướng hệ thống, văn hóa an toàn mạnh mẽ và hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia và các cơ quan quản lý độc lập. Hiện đang có không ít lo ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, ví dụ như tại một số nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, khi các quy định an toàn hạt nhân đang bị xói mòn và các cơ sở hạt nhân đang chống lại áp lực thực hiện và trì hoãn việc áp dụng các quy định an toàn được quốc tế chấp nhận, chẳng hạn như thêm bộ lọc để ngăn phóng xạ thoát ra từ các tòa nhà chứa lò phản ứng có đặc điểm giống như Fukushima Daiichi.

Bài học quan trọng nhất mà chúng ta thấy là cần phải chống lại chủ nghĩa dân tộc hạt nhân và chủ nghĩa biệt lập. Ngày nay, việc đảm bảo hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia đang phát triển các dự án hạt nhân là điều cần thiết khi các lực lượng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chống toàn cầu lan rộng.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), với sứ mệnh thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, bảo mật và hòa bình, cần thúc giục các quốc gia thành viên tìm kiếm sự cân bằng giữa chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc tế khi vận hành các lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ. Như Chernobyl và Fukushima đã dạy thế giới, sự cố phóng xạ không chỉ dừng lại ở ranh giới quốc gia. Toàn bộ khu vực đều có bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ và ô nhiễm nước do sự cố hạt nhân ở bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục