Gần 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai 2013 cho thấy Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã tạo lập nền tảng cho việc xây dựng chính sách đất đai trong tình hình mới.
Dù vậy, một số nội dung vẫn chưa được luật hoá trong khi nhiều vấn đề tồn tại gây lãng phí các nguồn thu cho Nhà nước vẫn xảy ra...
Nhiều vấn đề đất đai chưa được luật hóa
Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết về giao đất, cho thuê đất, Nghị quyết 19 yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm những trường hợp đất đã giao không thu tiền cho các cơ quan nhà nước nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện đấu giá đất khi sắp xếp lại các cơ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước để chuyển sang phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các nội dung này vẫn chưa được thể hiện bằng các quy định cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013.
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 cũng còn những quy định chưa phù hợp. Điển hình là Luật này áp dụng quy định Nhà nước thu hồi đất và “tịch thu” tài sản gắn liền với đất đối với các dự án “treo” sau khi cho gia hạn thêm 24 tháng mà vẫn bị “treo,” nhưng lại không áp dụng cho các trường hợp sử dụng đất khác vi phạm pháp luật như hủy hoại đất, sử dụng đất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tương tự, đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo ông Thành, Luật Đất đai chưa có quy định theo hướng chia sẻ lợi ích từ dự án đầu tư trên nguyên tắc bảo đảm người bị thu hồi đất có thu nhập, sinh kế.
Về bất động sản, Nghị quyết 19 đưa ra hai giải pháp quan trọng để phát triển thị trường bất động sản là quy hoạch cả phần bên cạnh, phụ cận khi thu hồi đất và điều tiết thị trường bằng quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, Luật Đất đai và các luật liên quan chưa có quy định cụ thể; chưa có quy định lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, ngoài một số tiêu chí về tiền ký quỹ…
Đối với chính sách về tài chính đất đai, theo Nghị quyết 19, thuế sử dụng đất phải khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, đánh lũy tiến vào các trường hợp sử dụng nhiều đất, nhiều nhà; đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm sử dụng… Mặc dù các luật thuế liên quan đến đất đai đều là luật riêng nhưng chính sách thu có thể đưa vào Luật Đất đai. Trong khi đó, Luật Đất đai không có quy định về các chính sách thuế về đất đai để định hướng sửa đổi, bổ sung.
["Giải phóng" đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn]
Bên cạnh đó là việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, áp dụng trên phạm vi cả nước theo định hướng thủ tục hành chính điện tử, hướng tiếp cận tới thủ tục hành chính thông minh. Trong khi đó, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn chủ yếu trên giấy.
Theo ông Thành, quy định về xây dựng hệ thống phân cấp thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai cho các cấp chính quyền địa phương gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện nhằm loại bỏ tham nhũng “vặt,” gây phiền hà. Trên thực tế, hệ thống phân cấp quản lý đất đai đã ổn định ở cấp quản lý trực tiếp là cấp tỉnh và cấp huyện, nhưng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện thẩm quyền chưa cụ thể nên có nơi thực hiện sai thẩm quyền nhưng chậm được phát hiện...
Thêm một vấn đề nữa là việc nâng cao năng lực quản lý đất đai. Nghị quyết 19 nhấn mạnh đẩy mạnh phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật đất đai cho cộng đồng, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được cụ thể hóa để thực hiện trong Luật Đất đai.
Cần phân loại đất, chia sẻ thông tin về đất đai
Trước thực tế nêu trên, Thường trực Hội đồng Dân tộc kiến nghị cần thay đổi hệ thống chính sách định giá đất đai, đổi mới cách tính toán để theo sát với diễn biến thị trường. Lý do là giá đất đai do các cơ quan Nhà nước định giá chưa theo sát giá thị trường, gây lãng phí các nguồn thu cho nhà nước từ giao dịch bất động sản và xảy ra khiếu kiện trong việc thu hồi, bồi thường đất đai.
Tương tự, quy hoạch đất đai cần phải theo sát xu hướng phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực. Hiện nay, Luật Đất đai 2013 chỉ có một hệ thống phân loại đất theo mục đích sử dụng nên không thể triển khai quy hoạch sử dụng đất dựa trên phân vùng sử dụng đất.
Do đó, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định về hệ thống phân loại đất theo không gian sử dụng, bổ sung quy định về phân loại đất theo không gian sử dụng như vùng đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...
Ngoài ra, để phù hợp với Luật Lâm nghiệp 2017, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai cần bổ sung quy định về đất đai do cộng đồng dân cư quản lý như: cộng đồng dân cư địa phương được giao tất cả các loại đất dựa trên phong tục, tập quán sử dụng đất của cộng đồng.
Luật Đất đai cũng cần bổ sung quy định về nguyên tắc chia sẻ thông tin đất đai và thông tin rừng nhằm quản lý tích hợp đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, cộng đồng đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, các khoản thuế, phí đăng ký và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện đang ở mức cao, theo ông Thành, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để giao đất.
Một thực tế đáng lưu ý được ông Thành nhắc đến là hiện đang diễn ra tình trạng người dân bỏ ruộng, bỏ rẫy để đến làm việc tại các khu công nghiệp hoặc tìm các công việc khác để có nguồn thu nhập cao hơn. Do vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất quy mô lớn thông qua việc cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn và mở rộng quyền cho người sử dụng đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp...
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện Nghị quyết số 112 của Quốc hội, trong đó tập trung sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích bàn giao cho các địa phương để tạo quỹ đất giao cho các hộ dân người dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất./.