Ngày 15/11, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức kỷ niệm 10 năm Chương trình đào tạo Kinh doanh cao cấp Keieijuku Việt Nam, quy tụ gần 400 học viên là lãnh đạo các doanh nghiệp trên cả nước cùng gặp gỡ và mở rộng kết nối.
Trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, từ năm 2009 đến nay, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Trường Đại học Ngoại thương đã thực hiện chương trình đào tạo doanh nhân, nhà quản lý doanh nghiệp xây dựng mô hình doanh nghiệp điển hình Việt Nam, áp dụng quản lý sản xuất theo phương thức Nhật Bản.
[Giày da Việt Nam nhận được sự chú ý từ các bạn hàng quốc tế]
Sau hành trình 10 năm, Keieijuku Việt Nam đã đào tạo được một đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với mục tiêu nỗ lực cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm hàng hóa chất lượng và tinh thần quản trị - lấy con người làm trung tâm cũng như kinh doanh “thắp lửa trái tim” và kinh doanh bằng “tự lực, tự cường và sự tử tế”.
Cụ thể hơn, ông Toshiyuki Nakamura, Cục trưởng Cục phát triển Công nghiệp và Chính sách công JICA chia sẻ đây là chương trình đào tạo, đúc rút những nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Trong một khóa đào tạo sẽ có các kỳ khác nhau với từng mảnh nội dung chuyên sâu. Cuối chương trình, các học viên sẽ đi thăm Nhật Bản để tiếp xúc với thực tiễn quản trị cũng như những vẫn đề hiện tại của các doanh nghiệp Nhật đang trải qua.
Sau quá trình đào tạo các học viên, ông Chosaku Toda, giảng viên Keieijuku Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc tại châu Âu và Mỹ của Tập đoàn Pananonic, đã cho hay: “Các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm tốt về tầm nhìn. Với người Nhật, điểm quan trọng nhất trong kinh doanh là tư duy của người quản trị luôn hướng tới triết lý kinh doanh, thông qua các câu hỏi cụ thể 'doanh nghiệp sinh ra để làm gì?' và đặt ra tầm nhìn rất rõ ràng. Đây là cơ sở để các thế hệ quản trị trong doanh nghiệp vận hành và tiếp nối mục tiêu.”
Theo ông Toda, Keieijuku Việt Nam là chương trình quản trị doanh nghiệp kiểu Nhật Bản, có độ phủ rộng về nhiều khía cạnh khác nhau, từ triết lý kinh doanh, nhân sự, chiến lược kinh doanh, quản lý sản xuất… Và, những nội dung trên có thể chia sẻ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam bởi Nhật Bản đã trải qua quá trình phát triển doanh nghiệp từ 60 – 70 năm trở lại đây, những vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản vấp phải trong những ngày đầu rất giống thực tế mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang gặp phải.
Bên cạnh đó, sự kiện kỷ niệm 10 năm này cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Keieijuku Việt Nam mở rộng kết nối, nâng cao hình ảnh và tinh thần kinh doanh của mình trước các tổ chức ngoại giao, kinh tế và hiệp hội doanh nghiệp hai quốc gia Việt Nam, Nhật Bản.
Năm 1998, hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật và năm 2000, Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Dự án xây dựng hai Trung tâm VJCC tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do trường Đại học Ngoại thương thực thi bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản. Năm 2001 và 2002, Trung tâm VJCC Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động, triển khai ba mảng hoạt động chính là vận hành các khóa học kinh doanh, các khóa học tiếng Nhật và giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Năm 2017, Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam- Nhật Bản (Viện VJCC) được thành lập được thành lập trên cơ sở nâng cấp hai Trung tâm VJCC, có nhiệm vụ duy trì, phát triển các hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp và triển khai đào tạo Cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản./. |