Chiều 14/7, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã tổng kết 10 năm Giải Báo chí quốc gia (2006-2016), nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng giải trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, cho biết từ khi ra đời (2006) đến nay, Giải Báo chí quốc gia đã được báo giới và công chúng hưởng ứng, đón nhận tích cực.
Tham dự giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, hoạt động trên cả nước với những tác phẩm xuất sắc nhất được sáng tạo trong một năm lao động bền bỉ. Hội đồng Giải, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam, với tư cách là cơ quan chủ trì, đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chất lượng Giải ngày một nâng cao.
Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh kinh tế-xã hội trong năm của đất nước, có hình thức, kỹ thuật thể hiện sáng tạo, có ảnh hưởng tích cực và hiệu quả xã hội thiết thực.
Chủ tịch Thuận Hữu nhấn mạnh giải là sự cổ vũ to lớn đối với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và người đoạt giải nói riêng. Giải cũng góp phần động viên khích lệ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần phát hiện và tôn vinh tài năng, tâm huyết của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa.
Qua 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, Giải Báo chí quốc gia vẫn còn có mặt hạn chế, cần được khắc phục, cải tiến để ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần tăng cường sự đóng góp của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thay mặt Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết số đơn vị tham gia Giải ngày càng tăng, năm đầu tiên chỉ có 77 đơn vị tham gia thì năm nay có 169 đơn vị, cá nhân tham dự. Số Hội Nhà báo địa phương cũng tăng dần, năm thấp nhất là 41 Hội (2007) đến năm 2014, 2015 đạt 62/63 Hội tỉnh, thành phố. Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh đoạt nhiều giải nhất với 63 giải/10 mùa giải; Liên Chi hội đoạt nhiều giải nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam với 68 giải/10 mùa giải.
Về số lượng tác phẩm, năm đầu tiên (2006) mới chỉ có 955 tác phẩm tham dự thì từ năm 2010 trở đi, đều tăng cao hơn 1200 tác phẩm/năm; năm cao nhất (2013) đạt 1.665 tác phẩm. Tổng số các tác phẩm dự Giải trong 10 năm là 12.486, trong đó 1.550 tác phẩm vào chung khảo và 1.003 tác phẩm đạt giải. Các tác phẩm dự giải và đoạt giải đều là những tác phẩm tiêu biểu xuất sắc của báo chí trong năm đó. Nhiều tác phẩm có tiếng vang trong đời sống xã hội, nhất là các tác phẩm điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, có hiệu quả xã hội thiết thực, được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lí.
Ông Hồ Quang Lợi cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức giải. Trong đó, cơ cấu giải hiện nay chưa thật phù hợp với quy mô và tính chất của báo chí hiện đại; việc thu hút tác phẩm ở một vài loại giải còn hạn chế; công tác chấm chung khảo còn có ý kiến băn khoăn về cách chấm tập trung đối với tác phẩm phát thanh – truyền hình. Việc chọn số lượng vào chung khảo và phân bổ giải thưởng cho các loại giải cũng cần xem xét để đảm bảo hợp lý giữa các nhóm thể loại; kinh phí, mức tiền thưởng chưa tương xứng với tên gọi, quy mô của Giải Báo chí quốc gia….
Từ những bất cập trên, nhiều đại biểu cho rằng các cấp hội, cơ quan báo chí cần được đầu tư bài bản về đề tài, nhân lực và kinh phí thực hiện để tránh tình trạng chỉ thụ động tập hợp tác phẩm có sẵn tham dự giải.
Công tác tổ chức giải ở Trung ương Hội và các cấp Hội nếu được triển khai sớm, khoa học và chuyên nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt cho công tác chấm, thẩm định tác phẩm và trao giải. Bên cạnh đó, cần có các hình thức thiết thực, cụ thể để tuyên truyền, quảng bá, phát huy kết quả của giải, nhằm phát huy vai trò của báo chí trong đời sống xã hội./.