Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng đã và đang giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu. Điều này, thúc đẩy sự ổn định đời sống xã hội, góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.
Đó là nhận định của của các chuyên gia tài chính tại tọa đàm “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” do báo Đầu tư tổ chức ngày 25/3 tại Hà Nội.
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng) nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.
[Lãi suất tín dụng đen lên tới 1.400%, người dân cần tỉnh táo]
Theo bà Tùng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: Cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị-xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...
Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ).
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng hơn 10 năm qua giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân.
Ông Lực dẫn chứng tỷ trọng dư nợ của các công ty tài chính trong tổng tín dụng tiêu dùng gia tăng đáng kể so với trước đây, từ mức dưới 1% vào năm 2011 đến tỷ trọng 16,3% năm 2020 (khoảng 130.000 tỷ đồng), còn lại là các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng (chiếm khoảng 75%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 8,7%)...
Đáng chú ý, theo ông Lực, các công ty tài chính đã xây dựng được mạng lưới khách hàng thân thiết, thường xuyên sử dụng dịch vụ chứng tỏ thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi đáng kể.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tài chính tiêu dùng, xét về lợi ích thì người dân đã có nhu cầu từ rất lâu và lợi ích rất nhiều.
Ông Hiếu phân tích cách đây 10 năm nếu người dân không đủ tiền thì sẽ không dám đi vay tiền để mua sản phẩm mình cần dùng nhưng hiện nay đặc biệt là giới trẻ xu hướng vay rồi mua hoặc thậm chí thuê về dùng đã trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen thì ông Hiếu cho rằng, tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính.
Dưới góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng giám đốc FE Credit cho rằng: "Sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt những người có thu nhập trung bình thấp. Tại FE Credit, sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách hàng với gần 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ phân bổ trên cả nước."
Vẫn còn 1 số tồn tại
Mặc dù đánh giá cao những ưu điểm mà cho vay tiêu dùng mang lại, các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn như các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không đảm bảo.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho hay một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, do chưa có nhiều thông tin về tín dụng ngân hàng nên bị các kênh cho vay không chính thức tiếp cận cho vay với lãi suất cao. Một số khách hàng tìm đến các kênh tín dụng phi chính thức do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các nguồn cung cấp tín dụng chính thức, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tiêu dùng.
Về các biện pháp thúc đẩy tài chính tiêu dùng, ông Thịnh cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghệ, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số, hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc tiếp cận dịch vụ.
Về phía cơ quan quản lý, bà Tùng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất, trình Chính phủ Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech; ban hành các quy định pháp lý phù hợp đối với các sản phẩm, mô hình, dịch vụ, phương tiện thanh toán mới gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, để phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân./.
Đến nay, toàn hệ thống đã có 183 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và 53.516 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 61 chi nhánh, 53 phòng giao dịch tại 23 tỉnh, thành phố. Cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi đó tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,5% so với năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng cũng tăng từ 8,17% dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020. |