10 lý do du khách Nga nhất định phải đến Việt Nam một lần trong đời

Nhiệm vụ khôi phục trở lại dòng khách Nga với khả năng chi tiêu cao, cũng như việc tổ chức du lịch đoàn trong điều kiện mới, đã được Cục Du lịch kỳ vọng vào Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: TTXVN phát)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: TTXVN phát)

Điểm đến an toàn, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, những giá trị văn hoá độc đáo, thiên đường ẩm thực, con người thân thiện, mến khách, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới, vịnh biển đẹp nhất thế giới, các lễ hội văn hoá bản sắc, giá cả phải chăng, các phiên chợ địa phương kỳ thú, những điểm đến bí ẩn dành cho những người ưa khám phá.

Đó là 10 lý do tại sao du khách Nga nhất định phải đến Việt Nam một lần trong đời, được đại diện Cục Du lịch Quốc gia đưa ra tại Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Liên bang Nga ngày 3/7. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Những ngày văn hoá Việt Nam tại Liên bang Nga từ 1-7/7.

Hầu hết 10 lý do trên đều được lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch có mặt tại sự kiện nhất trí và ghi nhận. Đa số doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến một điều quan trọng để khôi phục và phát triển nhanh chóng dòng khách song phương, đó là nối lại các đường bay thẳng thuận tiện như trước kia.

Sự kiện trên do Cục Du lịch phối hợp với Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Nga tổ chức, đã thu hút sự tham gia của gần 130 doanh nghiệp Nga và Việt Nam hoạt động tại Nga, trong đó 80% là doanh nghiệp tổ chức du lịch, 10% là đại diện các nhà quản lý.

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Lê Phúc nhiệt liệt chào mừng toàn thể đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, công ty lữ hành, khách sạn của Liên bang Nga Nga, nhấn mạnh sự kiện mang ý nghĩa to lớn, ghi nhận dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga Nga.

Liên bang Nga luôn là một trong những thị trường nguồn hàng đầu về lượng khách du lịch tới Việt Nam và ngày càng nhiều khách du lịch Nga lựa chọn Việt Nam là điểm đến, với mong muốn khám phá một đất nước có bề dày lịch sử, có nền văn hoá truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga Nga, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, vì nhiều lý do, trong đó có những lý do khách quan như dịch bệnh, bối cảnh quốc tế, mà lượng khách Nga đến Việt Nam đã giảm.

Nhiệm vụ khôi phục trở lại dòng khách Nga với khả năng chi tiêu cao, cũng như việc tổ chức du lịch đoàn trong điều kiện mới, đã được Cục Du lịch kỳ vọng vào Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở quan hệ quốc tế và kinh tế đối ngoại thành phố Moskva, Vyacheslav Manuilov đánh giá cao sự kiện cũng như tất cả các hoạt động văn hoá, du lịch Việt Nam đã trở thành truyền thống hàng năm tại Moskva.

Ông cho biết mối quan tâm của người dân thủ đô Nga đối với điện ảnh, ngôn ngữ và không thể thiếu được ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam, đang ngày càng mở rộng.

Các sự kiện Việt Nam đã trở thành một phần ấn tượng và ghi nhớ lâu trong đời sống của thủ đô Moskva, đóng vai trò quan trọng trong triển khai hợp tác kinh tế và văn hoá giữa hai bên, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Tại chương trình, hình ảnh Việt Nam được phân tích rất sâu và toàn diện trước đông đảo các nhà quản lý du lịch đã nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường du lịch quốc tế.

Hãng hàng không lớn nhất Liên bang Nga Nga Aerflot cũng thể hiện sự đánh giá cao với sự kiện cũng như thị trường du lịch Việt Nam, đem đến diễn đàn một bản giới thiệu công phu về những ưu đãi, ưu việt, những dịch vụ mới đẳng cấp mà hãng đang triển khai trên các đường bay quốc tế.

Tiếp nối các lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật và ẩm thực, du lịch đang là mối quan tâm chung của các đối tác Nga và Việt. Cơ sở đã có sẵn, sức hấp dẫn lẫn nhau đã là điều không phải bàn cãi, hợp tác du lịch cần thêm một số biện pháp kỹ thuật cũng như quyết tâm ở các cấp để vượt khỏi trạng thái “cầm chừng” sau đại dịch, trở lại vị trí mũi nhọn tăng trưởng trong hợp tác Nga-Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục