Trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép sắp diễn ra vào tháng 10/2018 tại London, sáng 26/9, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức Hội thảo “10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã” để nhìn lại một số kết quả và thách thức còn tồn tại.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã (IWT) lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2016, Việt Nam cùng đại diện 46 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã ra Tuyên bố Hà Nội khẳng định cam kết bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.
Trong dịp này, ENV đã đưa ra 10 khuyến nghị cấp bách nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo đại diện ENV, sau hai năm cam kết bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, Việt Nam đã có bước chuyển biến lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về động vật hoang dã, nhiều vụ buôn bán xuyên biên giới sừng tê giác, ngà voi, hổ đông lạnh và các sản phẩm khác được đưa ra ánh sáng.
Qua đó, số lượng cơ sở nuôi nhốt hổ, gấu và các cá thể động vật hoang dã giảm đáng kể; việc xử lý tang vật liên quan đến động vật hoang dã cũng được thúc đẩy minh bạch, mạnh mẽ hơn…
[Lĩnh án 10 năm tù vì vận chuyển động vật hoang dã trái phép]
Mặc dù đã có nhiều sự thay đổi, công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã được thắt chặt, chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, tuy nhiên, theo nhận định của ENV, hiện vẫn còn một số mạng lưới buôn bán động vật hoang dã lớn, đến nay vẫn chưa bị bắt giữ và xử lý.
Trước thực trạng nêu trên, ENV khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe đối với tội phạm động vật hoang dã, thực hiện chính sách 3 không (không thương cảm, không khoan nhượng, không tư lợi) trong quá trình xử lý loại hình tội phạm này; nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán sừng tê giác kể cả dưới hình thức làm vật kỷ niệm.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần thắt chặt quản lý các cá thể hổ đang gây nuôi tại các sơ sở tư nhân; chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật tại các địa phương; ngừng cấp phép thành lập các cơ sở bảo tồn cho đến khi có văn bản pháp luật quy định rõ mục đích; xử lý, ngăn chặn hành vi quảng cáp, mua bán, trao đổi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên Internet../.
10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã:
1. Điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép.
2. Xóa bỏ nạn tham nhũng trong nỗ lực đấu tranh phòng chống các tội phạm về động vật hoang dã.
3. Trừng trị thích đáng nhằm răn đe hiệu quả các đối tượng vi phạm về động vật hoang dã.
4. Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức.
5. Tiêu hủy các kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được.
6. Thắt chặt quản lý đối với các cơ sở nuôi hổ tư nhân và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát.
7. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
8. Siết chặt tình trạng cấp phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã.
9. Buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn.
10. Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm trên Internet.