10 đội hacker mũ trắng chính thức ‘giải mã’ truyền thuyết Việt Nam

Vòng chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2018 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của 10 đội thi, trong đó có 4 đội nằm trong Top 10 thế giới.
Ông Nguyễn Huy Dũng (trái) và ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Bkav (phải) khai mạc Vòng chung kết cuộc thi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 1/11, Vòng chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2018 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của 10 đội thi, trong đó có 4 đội nằm trong Top 10 thế giới.

[Hacker mũ trắng thi đấu đối kháng để tìm hiểu truyền thuyết Việt Nam]

Trước đó, vòng loại của cuộc thi này đã diễn ra với 720 đội tới từ 79 quốc gia, vùng lãnh thổ (có 146 đội từ Việt Nam). 10 đội xuất sắc lọt vào vòng chung kết gồm: coconutCoffee (Hàn Quốc); dcua (Ukraina); pwndevils, perfectblue (Mỹ); ACEBEAR, Injocker10K, r3s0L (Việt Nam); LC1BC (Nga); 0daysober (Pháp); p4team (Ba Lan).

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho hay, mọi người đều nhận thức được an ninh mạng đang là một phần quan trọng trong thế giới kỹ thuật số và lo ngại các nguy cơ đang gia tăng.

“An ninh mạng có mục đích gì? Vì sao xe hơi lại có phanh? Tôi cho rằng nó không phải để dừng xe mà là để xe có thể đi nhanh hơn. Tương tự như vậy, an ninh mạng không phải để dừng ứng dụng công nghệ thông tin mà để mọi người tận hưởng công nghệ nhiều hơn. Tuy nhiên, đi nhanh hơn là không đủ, chúng ta cần đi xa hơn. Có câu nói nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã cố gắng hết sức để sự kiện này có thể diễn ra tại Hà Nội,” ông Dũng nói.

Theo Ban tổ chức, ở vòng Chung kết WhiteHat Grand Prix 2018, lần đầu tiên tại Việt Nam, thử thách vượt qua các lỗ hổng bảo mật trên thiết bị IoT được đưa vào một cuộc thi an toàn thông tin mạng. Các đội sẽ được cấp một hệ thống mạng giống như thực tế tại doanh nghiệp với các thiết bị IoT và nhiệm vụ của họ phải vượt qua các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên các thiết bị này và ghi điểm sau mỗi thử thách.

Tiếp theo, các đội thi sẽ tiếp tục tham gia phần thi đối kháng trực tiếp Attack/Defense onsite. Thời gian của 2 phần thi kéo dài liên tục trong 8 tiếng (8 giờ đến 16 giờ).

Các đội hacker mũ trắng chính thức tranh tài, khám phá truyền thuyết Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Được biết, chi phí lưu trú và đi lại cho vòng chung kết được Ban tổ chức đài thọ toàn bộ. Giải Nhất cuộc thi là 230 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD), giải Nhì và Ba có giá trị lần lượt là 45 triệu đồng (tương đương khoảng 2.000 USD) và 25 triệu đồng (tương đương khoảng 1.000 USD)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục