"Khi nhìn thấy vết máu trên chiếc quần lót của cô con gái nhỏ, chị giữ chặt đường chỉ viền màu hồng bằng 2 ngón tay, tự nói với bản thân cần bình tĩnh. Chị mở hai chân của con để kiểm tra và hỏi con đã đi đâu. 'Chỉ là sau lúc tan học có một chú đưa con đến một nơi, sau đó…' 'Sau đó thế nào?' 'Sau đó, chú nói sẽ kiểm tra sức khỏe cho con, con rất đau, và còn dặn con không được nói cho người khác.'
Sau khi nghe xong, chị không tắm cho con gái nữa mà chỉ thay một bộ quần áo khác, bỏ bộ quần áo dính máu vào túi. Chị dặn con gái rằng nếu không có ai đi học về cùng thì bảo cô giáo gọi cho mẹ, không được cho ai nhìn vào những vùng cơ thể sau áo và quần soóc. Sau khi nói xong, chị lấy điện thoại, lặng lẽ ra ban công báo cảnh sát."
Đây là câu chuyện được phát trong một chương trình “bảo vệ trẻ em gái” ở Trung Quốc. Câu chuyện như một cách đơn giản nhất để dạy cho những đứa trẻ biết thế nào gọi là xâm hại tình dục và sau khi phát hiện trẻ bị xâm hại thì phụ huynh nên xử lý thế nào?
Tuy nhiên, trên thực tế, những em bé, nạn nhân của xâm hại tình dục, rất dễ rơi vào một cuộc sống tàn khốc. Chúng có thể sẽ bị cha mẹ đánh đập sau khi nói ra “bí mật," hoặc thường xuyên gặp ác mộng, thậm chí dẫn đến bi kịch tự sát.
Nếu quan tâm đến chủ đề này có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện đau lòng về bé gái sinh năm 2004, trú tại huyện Thới Bình, Cà Mau, đã tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần.
Hay như trong một bài phỏng vấn, ca sỹ Thủy Tiên đã từng chia sẻ: “Tôi bị người con trai nuôi của bà chủ nhà xâm hại tình dục nhiều lần. Tôi đã kể cho mẹ và cả người đàn bà ấy nghe, nhưng họ không tin lời nói trẻ con.”
“Thời gian ấy tôi chỉ muốn chết thôi. Tôi nghĩ, tôi có sống cũng chẳng ai quan tâm gì. Dù có thể không có miếng ăn, không có áo mặc, nhưng tôi không thể sống như con thú mà không có tình thương. Tôi ở đó, vật vờ, hoàn toàn không ai biết tới mình, thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì? Nỗi đau quá lớn đến mức tôi cảm thấy như mình bị vô cảm. Khi đọc báo về các vụ xâm hại, tôi chỉ lặng người đi và khóc,” Thủy Tiên nói.
[Ca sỹ Thủy Tiên: Tôi từng bị xâm hại tình dục nhiều lần]
Các chuyên gia khẳng định xâm hại tình dục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ do các em còn quá nhỏ, yếu ớt, cần được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của gia đình, chuyên gia y tế và tâm lý.
Vậy phải làm gì khi trẻ có thể đã bị xâm hại tình dục?
Sau khi trẻ phải chịu những tổn thương, thái độ và cách xử lý của phụ huynh quyết định phần lớn mức độ hồi phục của trẻ.
Dưới đây là 10 nguyên tắc nên tham khảo nếu trẻ có thể đã bị xâm hại tình dục:
Thứ nhất, ngay sau khi sự việc xảy ra, cha mẹ nên báo cảnh sát.
Thứ hai, kiểm tra những tổn thương trên cơ thể trẻ.
Thứ ba, cha mẹ cần xóa nhòa nỗi sợ hãi của trẻ. Vậy làm thế nào để xua đi nỗi sợ hãi đó? Hỏi trẻ một cách bình tĩnh nhất quá trình xảy ra sự việc, không được thể hiện sự phẫn nộ, kinh ngạc hay lo lắng trước mặt trẻ.
Nếu bạn tỏ ra quá lo lắng, trẻ sẽ cảm thấy việc này thật sự rất nghiêm trọng và có thể sẽ không dám nói sự thật, đặc biệt là những trẻ nhỏ tuổi.
Cuốn cẩm nang "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!," (Respect! My body!) do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em vừa xuất bản, cũng chỉ ra rằng một sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải là vào vai "cảnh sát.”
Chúng ta thẩm vấn đứa trẻ hoặc người khác, chúng ta đặt ra những câu hỏi có tính dẫn dắt. Chúng ta đọc tin nhắn, nhật ký của trẻ và lục lọi máy tính của con cái.
[Trò chuyện với trẻ về "vùng kín" để phòng tránh xâm hại tình dục]
Khi hành động theo cách này, chúng ta báo hiệu cho trẻ biết rằng có điều gì đó thực sự tồi tệ đã xảy ra và điều này khiến trẻ sợ hãi đến mức không muốn nói thêm điều gì.
Thứ tư, không để trẻ phải chịu những tổn thương lặp lại.
Hãy để trẻ tránh xa nghi phạm, đặc biệt có lúc bằng chứng không đủ, không thể trói buộc tội phạm bằng sợi dây luật pháp, vì vậy chỉ còn cách sống xa nghi phạm và bảo vệ trẻ tốt hơn. Tuyệt đối không để trẻ phải chịu sự tổn thương tiếp theo.
Thứ năm, không nên bắt trẻ phải kể nhiều lần quá trình xảy ra sự việc.
Có thể để trẻ phối hợp với lực lượng điều tra lấy chứng cứ nhưng không được bắt trẻ tường thuật lại quá trình đó nhiều lần; không được để chúng tiết lộ trên báo chí hoặc nơi công cộng. Điều này sẽ khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương gấp bội. Hãy để trẻ sống những ngày tháng yên bình.
Thứ sáu, cha mẹ cần làm tốt việc an ủi trẻ.
Hãy ôm trẻ và nói với chúng: "con mãi là bảo bối của cha mẹ, không bao giờ vì chuyện này mà con không ngoan nữa. Cha mẹ lúc nào cũng yêu con." Hãy khiến trẻ cảm nhận được tình yêu bền bỉ của cha mẹ.
Thứ bảy, không truy cứu trách nhiệm của trẻ.
Không được nói những câu tương tự như “Mẹ đã nói với con không được đi đường đó, sao con lại vẫn đi? Bảo con không được ra ngoài một mình tại sao con vẫn cứ làm."
Có một cuốn sách về giáo dục giới tính đã lấy ví dụ rằng một cô bé bị xâm hại tình dục và người mẹ đã đưa cô đến gia đình của người đã xâm hại cô, chỉ trích người đó trước mặt rất nhiều người và nói rằng “anh đã sờ vào vùng kín của con gái tôi.”
Sau này khi lớn lên cô gái vẫn không thể lý giải được tại sao mẹ lại làm điều đó. Nó thực sự đã gây tổn thương cả đời cho cô.
Thứ tám, quan tâm hơn đến trẻ.
Những lúc này đứa trẻ vô cùng khó chịu, sẽ không học tập tốt như trước kia, có thể đi học muộn, đánh bạn, không nghe lời. Thực ra đó là những phản ứng tâm lý của trẻ. Khi đó, phụ huynh và giáo viên cần quan tâm hơn đến trẻ, không trách mắng, kiên nhẫn chờ đợi trẻ trở lại trạng thái bình thường.
Cha mẹ và phụ huynh cần gặp nhau để phối hợp giúp trẻ trở lại cảm xúc ban đầu.
Thứ chín, nói chuyện với bác sỹ tâm lý.
Để những đứa trẻ nói chuyện với bác sỹ tâm lý. Tuy nhiên, cần tìm một bác sỹ uy tín, phụ huynh cũng cần nói chuyện với bác sỹ tâm lý về tình hình của trẻ, phối hợp với bác sỹ để tìm cách giúp trẻ.
Thứ 10, giữ những bằng chứng liên quan đến vụ việc để buộc tội tên phạm tội./.