Báo cáo thịnh vượng toàn cầu của Ngân hàng Credit Suisse (CS) công bố ngày 14/10 cho thấy 1% số người giàu nhất thế giới đang sở hữu hơn 48% giá trị tài sản toàn cầu.
Thực tế này gióng lên cảnh báo rằng sự bất bình đẳng ngày càng tăng có thể "châm ngòi" cho một đợt suy thoái.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn báo cáo của CS cho biết một người chỉ cần có 3.650 USD, tính cả giá trị tài sản trong nhà họ, là đủ để đứng trong nhóm một nửa dân số giàu có của thế giới.
Tuy nhiên, để lọt vào tốp 10% dân số giàu nhất thế giới, người ta phải có hơn 77.000 USD, trong khi tốp 1% dân số thế giới là những người sở hữu khối tài sản trị giá 798.000 USD trở lên.
Tính chung, một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu sở hữu chưa đầy 1% tổng giá trị tài sản trên thế giới, trong khi 1% số người giàu nhất chiếm 48,2% tổng giá trị tài sản toàn cầu.
Theo CS, tổng giá trị tài sản toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục mới là 263.000 tỷ USD, cao hơn gấp đôi mức 117.000 tỷ USD ở thời điểm năm 2000. Trong năm qua, giá trị tài sản toàn cầu đã tăng thêm 20.100 tỷ USD, là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2007.
Tổng giá trị tài sản toàn cầu đã tăng hàng năm kể từ năm 2008 và hiện cao hơn 20% so với mức đỉnh trước khủng hoảng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong khi sự bất bình đẳng gia tăng tại nhiều nước ngoài Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) thì trong nhóm này, Anh là nước duy nhất có sự bất bình đẳng gia tăng trong toàn bộ giai đoạn 2000-2014.
Các tính toán khác của CS cho thấy bất bình đẳng giàu nghèo đang ngày một lớn trong những năm gần đây và xu hướng này có thể dẫn tới tình trạng suy thoái.
Hiện Trung Quốc đã vượt qua Pháp, Đức, Italy và Anh để nhảy lên vị trí thứ 3 trong tốp 10% dân số giàu nhất thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản./.