Công nghiệp dân doanh ĐBSCL góp 85% cho kinh tế

Giá trị sản xuất công nghiệp vùng ĐBSCL ước đạt 140.000 tỷ đồng, trong đó công nghiệp dân doanh đạt 117.600 tỷ đồng, chiếm gần 85%.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 140.000 tỷ đồng, trong đó công nghiệp dân doanh chiếm 117.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm gần 85% giá trị sản xuất công nghiệp vùng.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch phát triển các ngành chế biến nông lâm thủy sản, năng lượng, cơ khí nông ngư cơ, sản xuất vật tư phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông thôn.

Các tỉnh cũng nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy; từng bước hoàn chỉnh hệ thống cảng sông, biển của vùng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó cảng Cái Cui là cảng trung tâm; đẩy mạnh chính sách khuyến công; ứng dụng khoa học vào sản xuất công nghiệp, chuyển giao công nghệ, thay thế thiết bị lạc hậu bằng thiết bị hiện đại; nâng cao tay nghề trình độ người lao động, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật cao; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp mở rộng hợp tác với nước ngoài.

Ngành điện ưu tiên cung cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư mới; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế; đổi mới công nghệ, trang thiết bị, hạ giá thành và nâng cao chất lượng của sản phẩm; chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, thủy hải sản và tăng mức sản xuất dầu thực vật, đường, trái cây, rượu, bia, nước giải khát, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất ximăng là các mặt hàng được tiêu thụ mạnh.

Các đơn vị ngoài quốc doanh đóng góp tích cực vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, thủy sản, hàng may mặc, đồ da, đồ gỗ; đồng thời tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm mới cho người lao động.

Nhằm giúp các đơn vị dân doanh khắc phục các tồn tại về vốn, trình độ quản lý, tiếp cận thị trường nước ngoài, khai thác thị trường nguyên vật liệu trong và ngoài nước và tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với các cam kết hội nhập bằng cách ban hành cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp dân doanh và hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu và dễ thực hiện; tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho các doanh nghiệp thông qua việc triển khai thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hoàn thiện chính sách thuế, đất đai, các chính sách ưu đãi phù hợp đảm bảo sự ổn định, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, vừa đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Thế Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục