Thận trọng khi đối tác nước ngoài chào cho vay vốn

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng đối với các khoản chào cho vay vốn của các đối tác nước ngoài.
Ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 7824/NHNN-TD gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng về việc thận trọng đối với các khoản chào cho vay vốn của các đối tác nước ngoài.

Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, một số tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện của các tổ chức quốc tế đến làm việc với một số Bộ, ngành, cơ quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp Việt Nam chào cho vay khoản vay có số tiền lớn, lãi suất thấp, thời hạn dài hoặc chào tài trợ không hoàn lại với điều kiện của khoản vay là phải có bảo lãnh hoặc bảo đảm của Chính phủ do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoặc của các ngân hàng thương mại cấp. Tuy nhiên, khi xác minh về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của các tổ chức chào cho vay cho thấy các cá nhân, tổ chức này thực chất không có khả năng thu xếp và cung cấp các khoản tài chính lớn cho Việt Nam.

Để không làm ảnh hưởng đến uy tín, tránh lãng phí thời gian, tiền và những rủi ro không đáng có cho các cơ quan, doanh nghiệp khi tiếp xúc, đàm phán các khoản chào cho vay này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung như sau:

Các tổ chức tín dụng cần thận trọng khi xem xét, xử lý các khoản chào cho vay của đối tác nước ngoài trên cơ sở tuân thủ đúng quy định về vay trả nợ nước ngoài của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; quy chế bảo lãnh ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh, văn phòng Luật sư, đại sứ quán các nước, Trung tâm thông tin tín dụng, ngân hàng đại lý để làm rõ, đầy đủ các thông tin về tư cách pháp lý, năng lực tài chính và các thông tin khác liên quan đến khoản chào cho vay của đối tác. Các tổ chức tín dụng không được phát hành các giấy tờ như giấy mời, thư hứa bảo lãnh, giấy uỷ quyền vay vốn hoặc các hình thức cam kết khác khi chưa nắm được đầy đủ thông tin về đối tác.

Về phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm: Báo cáo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế rủi ro đối với các khoản chào cho vay của các đối tác nước ngoài phù hợp với thực tế diễn biến trên địa bàn; chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Vụ Tín dụng) ngay khi trên địa bàn có phát sinh các trường hợp chào cho vay của đối tác nước ngoài, đồng thời phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng, các cơ quan ban ngành trên địa bàn làm rõ các thông tin về đối tác chào vay.

Cũng tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, định kỳ ngày 30/6 và ngày 31/12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng phải tổng hợp tình hình phát sinh trên địa bàn hoặc tại tổ chức tín dụng đối với các trường hợp chào vay của đối tác nước ngoài, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện về Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục