Khởi động hợp tác khoa học Việt Nam và Hàn Quốc

Tọa đàm "Khởi động hợp tác khoa học giữa Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á Hàn Quốc" được tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 9/11, nhiều chuyên gia thuộc Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á Hàn Quốc và một số viện nghiên cứu như kinh tế, gia đình và giới, lịch sử, Đông Nam Á, Đông Bắc Á... đã tham gia tọa đàm "Khởi động hợp tác khoa học giữa Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á Hàn Quốc" tại Hà Nội.

Tọa đàm tập trung thảo luận ba vấn đề chính là điểm lại những nội dung đã thực hiện, khả năng hợp tác trong nghiên cứu khoa học ở một số viện cụ thể và đề xuất một số chủ đề nghiên cứu tiếp theo.

Kể từ năm 1992 đến nay, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, do vậy, nghiên cứu một cách toàn diện các vấn đề hợp tác kinh tế, đối ngoại, thúc đẩy giao lưu văn hóa, lịch sử quan hệ hai nước bao gồm cả những mặt tích cực, hạn chế, vướng mắc, tồn tại là hết sức cần thiết.

Một số chủ đề chung đáng quan tâm tại buổi tọa đàm như vấn đề hợp tác kinh tế; các nhân tố cơ bản tác động tới sự phát triển văn hóa và con người trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế; lịch sử quan hệ; tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam.

Trong một số lĩnh vực cụ thể, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học cho rằng giới sử học Việt Nam và Hàn Quốc cần tiếp tục nghiên cứu về vấn đề giao bang giữa hai dân tộc trong lịch sử, tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa 2 dân tộc, làm rõ vấn đề lính Hàn Quốc tham chiến trong chiến tranh Việt Nam (1954-1957), vấn đề thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc, quan hệ giữa Hàn Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.

Nhìn từ góc độ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một số vấn đề cần nghiên cứu như làm rõ các lĩnh vực mới có thể đưa vào chương trình nghị sự hợp tác ASEAN-Hàn Quốc là biến đổi khí hậu và tác động của nó tới an ninh và phát triển của mỗi bên và của Đông Á.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, cả ASEAN và Hàn Quốc đã khá thành công trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đó. Đây là một hiện tượng đáng chú ý mà giới khoa học xã hội 2 bên cần hợp tác nghiên cứu để rút ra các kinh nghiệm cho mỗi bên, cho khu vực và thế giới, nhất là cho các nước đang tham gia ngày càng sâu rộng vào hội nhập quốc tế./.

Hoàng Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục