Tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chứng khoán để tăng tính minh bạch của thị trường này.
Sáng 10/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, các đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật cũng như những vấn đề cụ thể về thời hạn đưa chứng khoán chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường, công bố thông tin để tăng tính minh bạch, bổ sung thêm nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán...

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán, các đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) đều cùng chung nhận định đây là thị trường hết sức nhạy cảm, linh hoạt, rất quan trọng với nền kinh tế và liên thông với nhiều thị trường khác nên cần phải quản lý chặt chẽ, ngặt nghèo.

Thời gian qua, những quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ quá dễ dàng dẫn đến số lượng các công ty này ra đời ồ ạt, lên tới 105 công ty, trong đó có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, gặp nhiều khó khăn khi thị trường có biến động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Do vậy, theo các đại biểu, cần sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước để hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường, tăng tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán...

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thị trường chứng khoán là một trong ba bộ phận cấu thành thị trường tài chính, cùng với thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm.

Cơn sốt chứng khoán “điên đảo” từ giữa năm 2006, đầu năm 2007 đẩy chỉ số Vn-Index lên trên 1.000 điểm, đến nay hệ quả vẫn chưa hết, nếu tiếp tục để xảy ra sự cố sẽ gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Vì vậy, đại biểu Du Lịch đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn hoạt động chào bán riêng lẻ, cần bảo vệ cả những cổ đông nhỏ.

Đại biểu phân tích, thời gian qua, tình trạng người riêng lẻ đi kinh doanh bất động sản đã gây lộn xộn thị trường. Luật lần này đưa ra vấn đề mới là không hạn chế giới hạn đầu tư đối với các quỹ đầu tư bất động sản của các công ty chứng khoán là một định chế quan trọng để khai thông thị trường vốn và thị trường bất động sản, hạn chế bớt nhà đầu tư riêng lẻ trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, hiện luật pháp Việt Nam chưa có chế định thế nào là quỹ đầu tư bất động sản. Luật cần định nghĩa quỹ đầu tư bất động sản là gì, những nguyên tắc tổ chức và giao Chính phủ ban hành nghị định quy định về tổ chức hoạt động của quỹ để hướng các nhà đàu tư riêng lẻ thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp và lúc đó ta khai thông bằng định chế giữa thị trường vốn và thị trường bất động sản. Như vậy, bằng một công cụ, chúng ta làm cho ổn định, lành mạnh cả hai thị trường, ông Trần Du Lịch nói.

Về tình trạng có quá nhiều công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời trong một thời gian ngắn, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của thị trường, các đại biểu đề nghị điều chỉnh, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập công ty để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.

Liên quan đến tình trạng lũng đoạn thị trường, nội gián, làm giá của một số nhà đầu tư, các đại biểu cho rằng nên trao quyền mạnh cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban này phải có quyền tương đối độc lập và thẩm quyền tìm chứng cứ có quyền và trách nhiệm nếu như tình trạng làm giá, động cơ lũng đoạn thị trường xảy ra.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần có các chế tài để hạn chế sự lũng đoạn của các “đại gia,” nhất là những “đại gia” nước ngoài, mua ào ạt đẩy giá lên cao, sau đến đỉnh lại rút ra dẫn đến thiệt thòi cho nhà đầu tư nghiệp dư. Các công ty chứng khoán vi phạm quy định phải được thông báo tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các tổ chức tín dụng năm trước hoạt động thua lỗ sẽ không được phép chào bán chứng khoán ra công chúng để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, trừ trường hợp phát hành cổ phiếu để tăng vốn nhằm bảo đảm mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ hoặc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Để tăng tính minh bạch của thị trường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, tạo điều kiện tăng cường giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các đại biểu thống nhất với quy định Trung tâm lưu ký chứng khoán, công ty đại chúng có quy mô lớn cũng phải công bố thông tin như công ty niêm yết. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc làm này vừa hợp hiến, hợp pháp, vừa phù hợp với thị trường quốc tế, góp phần thu hẹp thị trường tự do, thị trường ngầm, tạo điều kiện minh bạch, công khai cho thị trường chứng khoán.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định điều kiện thành lập công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ thời gian qua còn dễ dàng, Bộ đang dự tính nâng thêm tiêu chí và có thể yêu cầu số vốn lên đến 500 tỷ đồng. Bộ cũng dự kiến trao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyền được thanh tra, giám sát, xử lý các hành vi thao túng thị trường, kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán. Ông Vũ Văn Ninh cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu, cho rằng các tổ chức tín dụng hoạt động thua lỗ không được phát hành cổ phiếu ra công chúng./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục