Nên dành 6-10.000 tỷ đồng giảm bội chi ngân sách

Chiều 20/10, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị nên dành từ 6.000 cho đến 10.000 tỷ đồng để giảm bội chi ngân sách năm 2010.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 20/10, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 ước đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán, hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán.

Trong số này, thu nội địa ước đạt 325.000 tỷ đồng, vượt 10,3% so với dự toán; thu từ dầu thô ước đạt 68.600 tỷ đồng, tăng 3,5%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 121.000 tỷ đồng, tăng 26,7% dự toán.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, ước tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2010 ước đạt 637.200 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán, tăng 9% so với thực hiện năm 2010. Chi đầu tư phát triển ước thực hiện cả năm đạt 145.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với dự toán (số tăng chủ yếu là chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi bổ sung dự trữ quốc gia).

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhìn nhận Chính phủ đã đánh giá tình hình thu ngân sách nhà nước khá tích cực so với nhiều năm trước. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu và cưỡng chế thu nợ thuế năm 2009 chuyển sang đạt 12.385 tỷ đồng cho thấy công tác chống thất thu của ngành thuế, hải quan có tiến bộ.

Về định hướng sử dụng số vượt thu của ngân sách nhà nước 58.600 tỷ đồng, trong đó ước ngân sách trung ương vượt thu 35.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương vượt 23.000 tỷ đồng, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng số bội chi ngân sách nhiều năm gần đây là khá lớn, trong khi đó số tăng thu chưa thực sự được ưu tiên để giảm bội chi.

Do đó, số tăng thu ngân sách năm 2010 là một cơ hội tốt để xử lý các vấn đề tài chính, cần được ưu tiên sử dụng để tăng chi trả nợ và giảm bội chi.

Ủy ban này đề nghị nên dành từ 6.000-10.000 tỷ đồng để giảm bội chi ngân sách năm 2010 nhằm giảm áp lực về tăng bội chi cho những năm sau.

Đối với dự toán chi ngân sách năm 2010, Ủy ban Tài chính-Ngân sách khẳng định xu thế chi vượt dự toán lớn đã làm giảm ý nghĩa của việc lập dự toán và phê chuẩn dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật chi ngân sách chưa nghiêm. Chính phủ cần phân tích kỹ nguyên nhân tăng, giảm các khoản chi, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ.

Từ những phân tích cụ thể, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị cân nhắc giảm bội chi xuống mức 5,5% GDP để làm cơ sở vững chắc giảm dần bội chi ngân sách trong những năm tiếp theo.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cơ bản đồng tình với Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011. Dự kiến thu từ dầu thô là 66.500 tỷ đồng trên cơ sở sản lượng dự kiến đạt 14,02 triệu tấn, giá bình quân là 73 USD/thùng; điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 830.000 đồng/tháng và thực hiện phụ cấp công vụ 10%, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; chi đầu tư phát triển 152.000 tỷ đồng...

Riêng các chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước 125.100 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP và đến cuối năm 2011, mức dư nợ Chính phủ bằng 45,3%, dư nợ quốc gia bằng 42,8% GDP, dư nợ công bằng 57,1% GDP, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc mức bội chi hợp lý, hướng tới giảm dần bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, mặc dù nợ công đang ở mức an toàn cho phép, song là khá cao, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công, đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ, tính tới yếu tố trượt giá đồng tiền vay, kiểm soát chặt chẽ nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và cả khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước đi vay không có sự bảo lãnh, nên khống chế mức nợ công không quá 60% GDP.

Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền trình bày.

Phạm vi và các nội dung sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào một số vấn đề để phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cũng như các luật có liên quan và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động này, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới nhằm phù hợp với các cam kết của WTO; quy định những vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh; sửa đổi, bổ sung quy định về tái bảo hiểm bắt buộc, về hình thức doanh nghiệp, điều kiện cấp phép, trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm..../.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục