TP.HCM: Nhiều công trình vướng giải phóng mặt bằng

Nhiều công trình giao thông trọng điềm của TP.HCM chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng thực hiện rất chậm.
Nhiều công trình giao thông trọng điềm của Thành phố Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật thực hiện rất chậm, có những công trình đã triển khai hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết như vậy tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Ngân sách - Hội đồng Nhân dân Thành phố ngày 3/11.

Năm 2010, Sở Giao thông Vận tải được giao quản lý 173 dự án, trong đó có 83 dự án chuyển tiếp, 19 dự án khởi công mới, 46 dự án chuẩn bị đầu tư… với tổng nguồn vốn được giao là 2.248 tỷ đồng.

Ngành Giao thông Vận tải thành phố xác định 10 công trình giao thông trọng điểm do sở làm chủ đầu tư nhưng hiện nay mới chỉ có 2 công trình được đưa vào sử dụng, còn lại vẫn đang thi công rất chậm, có công trình phải ngừng thi công do không giải phóng được mặt bằng.

Trong 2 công trình mới hoàn thành, công trình cầu Hoàng Hoa Thám, trải qua nhiều nhà thầu và vướng giải phóng mặt bằng nên qua hơn 12 năm thi công cũng mới được đưa vào sử dụng đầu tháng 9/2010.

Trong số các công trình chậm tiến độ, nổi cộm hiện nay là các dự án hoàn thiện nút giao thông Gò Dưa, sau gần 6 năm khởi công nhưng hiện vẫn còn gần 80 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Dự án khai thông tuyến đường thủy nội địa ngã 3 Đèn Đỏ - Nhà máy ximăng Hà Tiên 1 qua ngã Giồng Ông Tố được triển khai từ năm 2000 nhưng mới thi công đạt 75% khối lượng công trình và hiện đang phải ngưng thi công vì vướng mặt bằng.

Dự án khai thông tuyến đường thủy nội địa nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc tuy được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thi công do Ủy ban Nhân dân quận 9 chưa giải phóng được mặt bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Về lâu dài, ngành giao thông kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố thành lập Ban chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng, xem xét điều chỉnh lại chính sách giá đền bù, chính sách tái định cư… đối với các hộ dân, đơn vị bị giải tỏa./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục