Xử lý xe thô sơ chở hàng cồng kềnh: Cần có giải pháp căn cơ

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải, gây mất an toàn giao thông vẫn thường xuyên diễn ra.
Xử lý xe thô sơ chở hàng cồng kềnh: Cần có giải pháp căn cơ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải, gây mất an toàn giao thông vẫn thường xuyên diễn ra. Các cơ quan chức năng thành phố đã tập trung xử lý nhằm kéo giảm tình trạng này, đảm bảo an toàn giao thông, tránh những tai nạn thương tâm xảy ra.

Xe chở hàng cồng kềnh vẫn lưu thông thường xuyên

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC67), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng nhiều lực lượng và cơ quan chức năng ra quân tiến hành xử phạt 1.382 trường hợp xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ vi phạm các quy định về an toàn giao thông; trong đó có 302 trường hợp vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên.

Sáng 29/9, tại khu vực Ngã tư Bình Phước, Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu thuộc Phòng PC67 đã lập biên bản xử phạt hành chính gần 10 trường hợp xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ chở hàng quá khổ. Theo ghi nhận của phóng viên, tất cả các trường hợp trên đều chở hàng có chiều dài vượt quá thùng xe, có trường hợp hàng dài hơn thùng xe cả chục mét.

Cụ thể, vào lúc 9 giờ 30 cùng ngày, một tài xế điều khiển xe ba bánh chở một khối lượng sắt lưu thông hướng từ Quốc lộ 13 về chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức thì bị lực lượng chức năng phát hiện và yêu cầu kiểm tra. Tại đây mặc dù tài xế xuất trình được các giấy tờ cần thiết nhưng do khối lượng sắt quá dài so với thùng xe nên đã bị lập biên bản xử phạt 350.000 đồng và buộc phải hạ hàng tại chỗ.

Thiếu tá Nguyễn Đoàn Phúc - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu - cho biết trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13 lượng xe cơ giới ba bánh, bốn bánh chở hàng cồng kềnh lưu thông rất nhiều. Nguyên nhân là do khu vực này gần chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức nên các phương tiện chở hàng hóa lưu thông nhiều. Ngoài ra, khu vực này có nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng nên các phương tiện chở hàng ra, vào liên tục.

Từ đầu tháng 5/2016 đến nay, Đội đã xử phạt 218 trường hợp, trong đó có 42 trường hợp bị giam giữ phương tiện vì không đủ điều kiện tham gia giao thông.

Thiếu tá Phúc cho biết thêm ngoài khu vực Ngã tư Bình Phước, nhiều khu vực khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tình trạng xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng quá khổ quá tải lưu thông trên đường vẫn xảy ra. Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung xử lý mạnh những trường hợp này để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Cần giải pháp căn cơ

Lý giải về việc khó xử lý xe ba bánh, xe thô sơ vi phạm, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật Đức Chánh) cho rằng các chủ phương tiện này chủ yếu là người dân có đời sống kinh tế khó khăn hoạt động để mưu sinh, ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông còn thấp. Phần lớn các phương tiện nói trên là xe tự lắp ráp, bị thay đổi kết cấu phục vụ cho mục tiêu chuyên chở hàng hóa dẫn đến nguy cơ tăng tai nạn giao thông.

Theo ông Chánh, tại điểm k, khoản 4, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi mang vác vật cồng kềnh là phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy. Như vậy, các xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000-400.000 đồng. Mức phạt này là khá thấp và chưa đủ tính răn đe.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng để giảm bớt tình trạng này, cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm thì mới có thể tránh được tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc kiên quyết xử lý hành vi vi phạm sẽ buộc chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện phải có phương thức vận tải khác hoặc lưu thông vào thời điểm phù hợp. Từ đó tạo ra ý thức tốt hơn cho người tham gia giao thông.

Theo ông Thái Văn Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố cần tính đến giải pháp căn cơ là xây dựng lộ trình cấm xe ba bánh, xe thô sơ, xe tự chế. Việc cấm hẳn loại phương tiện này cần có lộ trình để chủ phương tiện chủ động thay đổi nghề nghiệp.

Giải pháp cấm và xử phạt chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, do đó về lâu dài cần có giải pháp tạo công ăn việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho những người đang hoạt động bằng nghề này. Chính quyền cũng cần quan tâm hơn nữa, thực hiện phúc lợi xã hội với những người có công với đất nước, thương binh, bệnh binh, tàn tật...

Ông Chung nhấn mạnh việc cấm xe ba bánh, xe thô sơ, xe tự chế cần được thực hiện đồng bộ trên cả nước, không nên chỗ làm, chỗ không để các phương tiện này tồn tại gây mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục