Theo nhiều người dân sinh sống ven đê biển Tây tỉnh Cà Mau, tình hình xâm mặn tại khu vực này diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, bên trong tuyến đê dài gần 100km là hàng trăm hécta sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái, hoa màu do nhiễm mặn nên năng suất thấp, cuộc sống của người trong vùng gặp nhiều khó khăn.
Bà con nơi đây cho biết thêm, đất ven đê biển bây giờ mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt nên trồng lúa năng suất rất thấp, nuôi tôm cũng không cho thu hoạch được gì. Tình trạng xâm mặn ngày càng lấn sâu vào trong đê, có nơi lên tới 2,3km.
Nguyên nhân của việc hàng trăm hécta đất nông nghiệp bị xâm mặn là do đê biển Tây bị xuống cấp, sạt lở từ nhiều năm nay. Cùng với đó là do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; việc tu sửa, nâng cấp đê chậm được triển khai nên cứ vào mùa mưa bão sóng biển tràn qua đê dẫn tới xâm mặn trên diện rộng.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đã có dự án nâng cấp đê biển Tây. Đây là chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Chính phủ phê duyệt với kinh phí 1.300 tỷ đồng dành cho giai đoạn 2015-2020, phấn đấu đến năm 2020 đê biển Tây sẽ được nâng cấp cơ bản.
Tuy nhiên, đây là chuyện lâu dài, còn trước mắt là nhiều đoạn đê bị vỡ, nước biển đã tràn qua đê, hàng ngày chính quyền địa phương cùng với người dân sở tại dùng cây gỗ và bao đất để ngăn sạt lở.
Ông Trần Văn Dẩu, một lão nông sống lâu năm ở đê biển Tây cho biết, muốn giữ được đê, đồng thời ngăn chặn xâm mặn, bên ngoài đê phải có một lớp rừng phòng hộ dày đặc, sau đó mới xây đê bằng bê tông kiên cố. Nếu xây đê kiên cố mà không trồng rừng phòng hộ đi kèm đê cũng không an toàn được lâu dài.
Theo ông Dư Bé Ba, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời, chính quyền địa phương đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch, vùng nào bị xâm mặn sẽ bố trí sản xuất cây con hệ sinh thái mặn như nuôi tôm, cua, cá… nước mặn và nước lợ, trong khi trên bờ trồng những loại cây thích nghi được với nước mặn như cây dừa.
Qúa trình tổ chức sản xuất sẽ kết hợp với cải tạo đất theo hướng “rửa mặn, xổ phèn”. Chỉ có cách làm như vậy mới phù hợp với điều kiện của vùng đất ven biển, tránh được tình trạng đất bị xâm mặn dẫn đến bỏ hoang như thời gian qua./.