Vụ "ly dị" giữa Anh và Liên minh châu Âu : Lịch sử sang trang

Một trang mới của lịch sử nước Anh được đánh dấu ngày 29/3, khi bức thư của Thủ tướng Theresa May thông báo việc Anh rời EU được Hội đồng châu Âu chấp thuận.
Vụ "ly dị" giữa Anh và Liên minh châu Âu : Lịch sử sang trang ảnh 1(Nguồn: nytimes.com)

Một trang mới của lịch sử nước Anh được đánh dấu vào ngày 29/3, khi bức thư của Thủ tướng Theresa May chính thức thông báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được gửi đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và được chấp thuận.

Với thủ tục này, tiến trình đàm phán đưa Anh ra khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, chính thức được kích hoạt. Dự kiến, toàn bộ quá trình giải quyết “vụ ly dị” đầu tiên sau 60 năm hình thành của EU sẽ kéo dài khoảng 2 năm.

Mặc dù chính thức được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Ngay sau khi "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, Thủ tướng Anh sẽ công bố chi tiết các kế hoạch đối với "Dự luật Hủy bỏ lớn” cho nước Anh thời hậu Brexit, đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên trong lộ trình rời khỏi EU của nước Anh.

Đây cũng là nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhất đối với ngành tư pháp Anh trong vài thập kỷ trở lại đây. "Dự luật Hủy bỏ lớn” đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình đưa Anh trở lại "là một quốc gia độc lập, có chủ quyền" như lời Thủ tướng May từng nói.

Một trong những lý do mà những người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit đó là vì họ muốn luật pháp nước Anh không phải ban hành từ Brussels (trụ sở của EU) mà từ Nghị viện Anh tại Westminster.

Theo dự luật này, Anh sẽ rút khỏi Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (European Communities Act - ECA), và sẽ gắn kết những phần nội dung phù hợp của luật EU vào luật của Anh. Chính phủ Anh sẽ bắt đầu chỉnh sửa hoặc rút bỏ những luật mà nước Anh không muốn. Hàng nghìn quy định của EU sẽ được tiếp tục áp dụng tại Anh, nhưng không nằm trong luật Anh. Những điều khoản mới sẽ không có hiệu lực cho đến khi Anh hoàn tất việc rút khỏi EU.

Theo giới phân tích, những tháng đầu tiên trong tiến trình đàm phán là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả hai bên, vì đó là thời gian để hai bên xác lập được những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán.

Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp với nhau. Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý "các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự" trước khi nói đến đàm phán thương mại. Cụ thể là Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU.

Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng quan hệ đối tác mới Anh-EU cần có thời gian và các thỏa thuận về thời kỳ chuyển đổi là cần thiết. Tuy nhiên, ông Barnier yêu cầu trong thời kỳ này, những biện pháp được áp dụng sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp của EU và Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ). Tức là Anh sẽ vẫn phải tuân theo luật pháp EU và chịu quyền phán quyết của ECJ.

Trong khi đó, chính quyền Anh muốn tiến hành song song cả thủ tục cho “cuộc ly dị” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai, trong đó một hiệp định tự do thương mại "tham vọng và can đảm" của bà May là mục tiêu chủ chốt của London.

Quan điểm rõ ràng của Thủ tướng Theresa May là "không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi". Phía Anh muốn bỏ ngay một số quy định hiện hành của EU mà London cho rằng gây cản trở kinh tế Anh ngay sau khi kết thúc tiến trình đàm phán vào 3/2019, chứ không phải đợi đến khi kết thúc thời kỳ chuyển đổi. Hiện chưa thể biết thời kỳ chuyển đổi sẽ kéo dài trong bao lâu.

Trước các cuộc đàm phán mang tính quyết định vận mệnh, hướng đi trong tương lai của cả hai bên, bên nào cũng muốn thế hiện thái độ cứng rắn, nhưng trong thâm tâm cả hai bên đều hiểu rõ họ có quá nhiều quyền lợi chung, nếu tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc thì cả hai đều thua thiệt, nên có thể mô tả tâm trạng của cả hai lúc này là "yêu ghét lẫn lộn." Mục tiêu cuối cùng mà cả hai bên hướng đến sẽ vẫn là một hiệp định tự do thương mại giú hai nền kinh tế gắn kết sâu rộng nhất có thể.

Một câu hỏi đặt ra cho nước Anh và các nhà đầu tư trên thế giới đó là tình hình kinh tế xã hội Anh sẽ ra sao trong hai năm tới? Thực tế thời gian qua cho thấy kinh tế Anh vẫn tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp của Anh ở mức thấp nhất trong mấy thập kỷ qua. Mặc dù một số tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch chuyển một phần cơ sở ra khỏi Anh do lo ngại Anh có thể sẽ không được hưởng quyền tự do miễn trừ thuế vào thị trường EU như hiện nay, nhưng tất cả thừa nhận Anh vẫn là địa bàn quan trọng hàng đầu của họ.

Thậm chí, hiện nay một số tập đoàn, như các hãng xe hơi, vẫn tiếp tục rót tiền đầu tư, phát triển sản xuất tại Anh. Ngoài ra, Thủ tướng Theresa May, một người nổi tiếng bản lĩnh thép tại các cuộc đàm phán, cũng đã có giải pháp cho kịch bản "Brexit cứng” nếu như EU không thỏa hiệp. Đó là Anh sẽ thay đổi mô hình kinh tế sang hướng giống như của Singapore hiện nay, đó là sẽ hạ thuế doanh nghiệp nước ngoài tại Anh xuống mức thấp nhất, tối giản các thủ tục, quy định kinh doanh cho các doanh nghiệp để cạnh tranh với EU.

Với bề dày kinh nghiệm và vị trí địa lý của mình, khu tài chính London chắc chắn sẽ vẫn là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu. London là nơi tụ hội giới tinh hoa trên mọi lĩnh kinh tế, văn hóa, chính trị của thế giới, thành phố luôn là điểm đến hấp dẫn cho mọi người muốn tìm đến học tập, làm việc và thưởng thức đời sống văn hóa, nghệ thuật sôi động bậc nhất thế giới. Chưa kể đến mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ, tiềm năng quân sự mạnh nhất châu Âu, sẽ là những lợi thế cạnh tranh của Anh so với EU.

Hai năm tới sẽ là thời gian thử thách lòng kiên nhẫn, thiện chí của cả Anh và EU để có thể xác lập được mối quan hệ đối tác mới, đem lại phồn vinh cho cả hai bên. Mấu chốt quan trọng nhất của tiến trình đàm phán là việc hai bên có đạt được hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng như Thủ tướng Theresa May kêu gọi hay không.

Nhiều nhà phân tích cho rằng đến cuối tháng 4, khi EU đưa ra những thứ tự ưu tiên và vạch ra những “ranh giới đỏ" trong tiến trình đàm phán, cũng chính là sẽ báo hiệu tính phức tạp, cam go của tiến trình này, cũng như báo hiệu chiều hướng quan hệ Anh-EU. Điều này cũng sẽ tác động vô cùng to lớn đến các chiến lược hợp tác song phương trong thời kỳ mới, cũng như chiến lược của Anh thời hậu Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục