Vụ hàng trăm giáo viên mất việc: Xét tuyển bỏ sót đối tượng

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, quá trình tuyển dụng viên chức tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh việc xét tuyển đã bỏ sót đối tượng làm việc trên 36 tháng.
Vụ hàng trăm giáo viên mất việc: Xét tuyển bỏ sót đối tượng ảnh 1Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng việc xét tuyển tại huyện Yên Phong đã bỏ sót đối tượng. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Vụ việc hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng sau kỳ tuyển dụng viên chức ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang gây xôn xao dư luận. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có buổi trao đổi với phóng viên của VietnamPlus xung quanh vấn đề này.

Xét tuyển bỏ sót đối tượng

- Thưa ông, vụ việc 261 giáo viên tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị cho thôi việc đã gây xôn xao dư luận về những bất cập trong việc xét tuyển, phương án chấm dứt hợp đồng lao động… được biết Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, vậy xin ông cho biết thêm thông tin về vụ việc này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Bắt đầu từ năm 2003, thẩm quyền tuyển dụng viên chức đã được phân cấp cho các Bộ ngành, địa phương thực hiện, quyền tuyển dụng được giao cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp. Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước tổ chức hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, việc tổ chức tuyển dụng là thẩm quyền của địa phương.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, huyện Yên Phong đã không thực hiện đúng trách nhiệm, trong 7 năm liên tiếp không tổ chức tuyển dụng viên chức nhưng hàng năm vẫn liên tục thực hiện ký hợp đồng lao động. Số lượng giáo viên được ký hợp đồng lao động lên tới hơn 500 người.

Thời gian vừa qua, khi tổ chức thực xét tuyển viên chức, công chức theo Thông tư số 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì huyện Yên Phong lại không xét đặc cách cho đối tượng có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên trong khi địa phương có rất nhiều đối tượng này dẫn tới bỏ sót đối tượng gây bức xúc trong dư luận. Đây cũng là điều đáng tiếc.

- Đang có nhiều phương án xử lý được đưa ra, trong đó có cả phương án tiếp tục ký hợp đồng với các trường hợp giáo viên có hợp đồng không xác định thời hạn, ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc ký hợp đồng tiếp với các trường hợp thi không đỗ cần phải rất cân nhắc. Về mặt nguyên tắc, các đơn vị sự nghiệp khi có nhu cầu phải tổ chức tuyển dụng, khi đã đủ chỉ tiêu tuyển dụng không thể tiếp tục ký hợp đồng lao động. Vì vậy, chúng ta không thể sử dụng giải pháp không đúng với quy định mà nên khắc phục theo hướng xét tuyển đúng quy định.

Về quyền lợi của người lao động, trước hết, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước phải đảm bảo thực hiện đúng pháp luật lao động, quan tâm đến bảo vệ quyền lợi của đội ngũ thầy cô giáo đang có hợp đồng lao động ở các trường, đặc biệt là những trường hợp giáo viên nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ không được chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong các phương án xử lý, trong năm nay huyện Yên Phong vẫn có thể tổ chức tuyển dụng một lần nữa và lần này phải xét tuyển đặc cách với các tiêu chuẩn cụ thể để tính điểm cho cả đối tượng giáo viên có thâm niên, thời gian làm việc có thành tích tốt. Tuy nhiên, số lượng biên chế sẽ bị giới hạn nên sẽ chỉ giải quyết được phần nào, việc tổ chức thi tuyển hàng năm sẽ tháo gỡ dần tình trạng này.

Thi phỏng vấn sẽ phải ghi hình lại

- Thưa ông, từ thực tế việc xét tuyển tại huyện Yên Phong, dư luận đang rất băn khoăn về phương pháp thi phỏng vấn, Bộ Nội vụ có tính đến sẽ có những quy định cụ thể hơn cho hình thức thi này không?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn : Trong quá trình xét tuyền có thể phỏng vấn hoặc thực hành để đánh giá trình độ năng lực của người dự tuyển. Quy định này áp dụng cho tất cả lĩnh vực sự nghiệp, tuy nhiên, theo tôi đối với lĩnh vực đặc thù như giáo dục cần phải kiểm tra năng lực truyền đạt kiến thức cho học sinh, giữa thực hành và phỏng vấn nên lựa chọn phương pháp thực hành để đánh giá chính xác trình độ, năng lực của người dự tuyển.

Đối với hình thức phỏng vấn thì phải có ghi lại hình và tiếng của buổi phỏng vấn để khi có ý kiến thắc mắc thì tiến hành kiểm tra để đảm bảo khách quan, công khai, rõ ràng trong các bước xét tuyển.

- Sự việc xảy ra tại huyện Yên Phong có lẽ sẽ là bài học về việc xét tuyển, sử dụng lao động hợp đồng... cho nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, Bộ có chỉ đạo gì để không lặp lại tình trạng như tại huyện Yên Phong?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn : Với trách nhiệm là cơ quản quản lý nhà nước về công chức, viên chức, chúng tôi sẽ nghiên cứu, sửa đổi lại các quy định. Chẳng hạn như khi thực hiện thi phỏng vấn phải có máy quay ghi lại buổi phỏng vấn.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Y tế có những quy định tuyển dụng sát thực hơn, phù hợp với tính chất của ngành giáo dục, ngành y tế. Khi thực hiện xét tuyển nên áp dụng hình thức thực hành để đảm bảo đánh giá chính xác trình độ năng lực của người dự tuyển.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các Bộ ngành, địa phương để đôn đốc việc tổ chức thi tuyển viên chức diễn ra thường xuyên, không để ùn tắc nhiều năm như huyện Yên Phong. Chúng tôi sẽ yêu cầu các địa phương thực hiện công tác tuyển dụng thông qua xét tuyển đúng quy định để đảm bảo mọi người đều có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều được đăng ký dự tuyển, không bỏ sót đối tượng.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục