Vinachem: Bốn doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỷ đồng đang thua lỗ

Vinachem chỉ đạo và tìm các giải pháp tiêu thụ sản phẩm nội bộ, vận động các đơn vị thành viên mua và sử dụng sản phân đạm urê va DAP của các công ty để làm nguyên liệu cho sản xuất NPK.
Vinachem: Bốn doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỷ đồng đang thua lỗ ảnh 1Đóng gói sản phẩm đạm urê tại Công ty đạm Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Gia Tường cho biết, Vinachem có 24 công ty con, trong năm năm qua có bốn công ty làm ăn thua lỗ gồm Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần DAP - Vinachem, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.

Đặc biệt, cả bốn đơn vị này đều sản xuất phân bón, được đầu tư bài bản với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng hiệu quả kinh tế lại không như kỳ vọng, liên tục thua lỗ sau khi đi vào hoạt động thương mại.

Ông Nguyễn Gia Tường phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của các đơn vị này là giá bán phân bón giảm mạnh trong năm qua, đặc biệt phân urê và DAP do ảnh hưởng từ giá dầu giảm. Bên cạnh đó, sản xuất phân đạm từ than gặp bất lợi so với sản xuất phân đạm từ khí do giá khí liên tục điều chỉnh giảm theo giá dầu, nhưng giá than không được giảm gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sản xuất urê từ than của Tập đoàn.

Cụ thể, giá than nguyên, nhiên liệu do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) bán cho Đạm Ninh Bình theo lộ trình tăng giá thì đến năm 2015 giá than cám 4a là 978.000 đồng/tấn, than cám 5 là gần 2 triệu đồng/tấn. Nhưng thực tế năm 2015, giá than cám 4a đã hơn 2 triệu đồng/tấn (tăng gấp gần 2,2 lần) và cám 5 là hơn gần 1,7 triệu đồng/tấn (tăng gấp hơn 2 lần so với dự kiến giá năm 2015) và cao hơn cả giá do TKV dự kiến đến năm 2030.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, thời tiết không thuận lợi đã làm cho diện tích gieo trồng sụt giảm dẫn tới giảm nhu cầu phân bón. Trong khi đó, giá phân bón liên tục giảm mạnh, nhập khẩu phân bón tăng; tình trạng kinh doanh phân bón giả chưa được kiểm soát dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình và các đơn vị phân bón khác khó cạnh tranh dẫn đến thua lỗ. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm, giá bán giảm, phân bón nhập khẩu tăng mạnh thì lần lượt cả ba dự án sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc và DAP 2 Lào Cai hoàn thành đầu tư đi vào vận hành thương mại đúng thời điểm tác động mạnh của các yếu tố bất lợi nên khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Cùng với nguyên nhân khách quan trên, Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Tường cũng thừa nhận, do công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của bốn đơn vị này chưa linh hoạt, quản trị chi phí còn hạn chế, nhiều bất cập, đặc biệt là quản trị tồn kho vật tư, nguyên liệu và sản phẩm; sản xuất chưa bám sát thị trường làm tăng giá thành, sản phẩm khó cạnh tranh.

Đáng chú ý, trong bốn đơn vị trên, ‎có Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cổ phần hóa như việc quyết toán với nhà thầu EPC-HQC Trung Quốc và quyết toán hoàn thành dự án nhà máy; vấn đề xử lý lỗ lũy kế của Công ty này.

Theo ông Tường, do dự án mới đi vào hoạt động năm 2012 nên lãi vay đầu tư, khấu hao lớn; giá bán phân đạm urê trong nước và trên thế giới xuống thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty này đều bị thua lỗ, đến nay lỗ hơn 3.300 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, đạm Ninh Bình vẫn hoạt động bình thường song vẫn có thể tiếp tục lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu không hoạt động, máy không chạy, thiết bị sẽ bị ăn mòn, khoản lỗ có thể nhiều hơn nữa.

Do đó, Tập đoàn đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép lùi việc thực hiện cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình vào giai đoạn sau từ năm 2016-2020 khi những khó khăn của Công ty được tháo gỡ và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có lãi, đảm bảo cổ phần hóa có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục thực hiện phương án giám sát tài chính đặc biệt đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP số 2 - Vinachem. Đồng thời yêu cầu các đơn vị này xây dựng phương án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính làm cơ sở để triển khai thực hiện; Tập đoàn tổ chức giám sát, chỉ đạo các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty như định kỳ ít nhất 1 lần/tháng ban điều hành và hội đồng thành viên Tập đoàn tổ chức họp chuyên đề, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước giải quyết khó khăn.

Cùng với đó, Tập đoàn cũng chỉ đạo và tìm các giải pháp tiêu thụ sản phẩm nội bộ, vận động các đơn vị thành viên mua và sử dụng sản phân đạm urê va DAP của các công ty để làm nguyên liệu cho sản xuất NPK.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các công ty như chuyển tiền thay Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình trả ngân hàng các khoản nợ gốc, lãi vay đầu tư với tổng số tiền đã trả nợ thay 1.462 tỷ đồng; nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho các công ty với số tiền hỗ trợ đạm Ninh Bình 150 tỷ đồng, đạm Hà Bắc 80 tỷ đồng. Trực tiếp thương thảo và cam kết với các ngân hàng thương mại để tiếp tục cho các công ty vay vốn kinh doanh.

Mặt khác, Tập đoàn cũng tích cực kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho bốn đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón; trực tiếp cùng một số đơn vị sản xuất phâm đạm urê đàm phán với TKV để giảm giá than nguyên, nhiên liệu dùng cho sản xuất.

Liên quan đến việc Vinachem đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép lùi việc thực hiện cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình đến khi những khó khăn của Công ty này được tháo gỡ và hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đạm Ninh Bình sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Ngay trong quý 1, đạm Ninh Bình sẽ phải thương thảo xong với nhà thầu Trung Quốc và chậm nhất quý 2 phải quyết toán xong để lên phương án cổ phần hóa.

Là người gắn bó với ngành lâu năm, Tổng Thư k‎ý‎ Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nhìn nhận, khó khăn của các doanh nghiệp vừa qua có ba yếu tố. Đó một phần là do công nghệ, một phần là do giá phân bón thế giới giảm sâu, nhập khẩu về nhiều, sản phẩm của các đơn vị không thể cạnh tranh được, phần nữa là do thuế VAT không được khấu trừ đầu vào như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, hiện nay giá phân bón trên thị trường thế giới đã lên cao. Cùng với đó, đạm Ninh Bình đã hoạt động đạt công suất 85% so với mức hoạt động cầm chừng chỉ 35% bình quân của năm ngoái nên cũng không đáng quan ngại.

Theo kết luận thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình của Bộ Công Thương, Bộ đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại dự án này.

Cụ thể, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế; bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý dự án chưa chưa tuân thủ quy định.

Bên cạnh đó, nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký 420 ngày khiến phát sinh riêng chi phí tiền lãi vay lên đến 527 tỷ đồng. Đến nay chủ đầu tư và nhà thầu đã đàm phán qua nhiều lần nhưng việc xác định giá trị phạt chậm tiến độ theo quy định của hợp đồng EPC chưa được hai bên thống nhất. Sau hơn bốn năm vận hành thương mại, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được trách nhiệm của mỗi bên đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng nên dự án chưa được quyết toán.

Bộ Công Thương đã yêu cầu Vinachem, Ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, khuyết điểm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đã giao các đơn vị chức năng của Bộ đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đạm Ninh Bình, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người lao động; đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục