Sáng 5/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc gồm FAO, ILO, IOM, ITC, IAEA, UNAIDS, UNCTAD, UNDP, UNEP, UNESCO, UNFPA, UN-Habitat, UNICEF, UNIDO, UNODC, UNV, UN Women và WHO.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch Chiến lược chung được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước.
Cùng với các đối tác phát triển, Liên hợp quốc có vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển chung của quốc tế thông qua việc cung cấp tư vấn, hỗ trợ chính sách cho Chính phủ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển, giới thiệu những kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
[[Mega Story] Việt Nam-Liên Hợp Quốc: Đồng hành để phát triển]
Phát biểu tại lễ ký, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra khẳng định: "Thông qua Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 mới, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục phát huy lợi thế so sánh của mình trong việc hỗ trợ Việt Nam các giải pháp tổng thể nhằm giải quyết những thách thức phát triển đa chiều và phức tạp, thông qua việc thu thập và chia sẻ các kiến thức ở cấp khu vực và toàn cầu; hỗ trợ trên quan điểm chuẩn về quyền con người, chú trọng đến công bằng và cải cách lấy người dân làm trung tâm; và tăng cường hợp tác Nam-Nam."
Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc là toàn diện, bnh đẳng và bền vững, phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2011-2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 2016-2020 của Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tới năm 2030, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.
Với nhu cầu ngân sách ước tính 423 triệu USD, Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 ưu tiên bốn lĩnh vực trọng tâm, được định hình dựa trên các chủ đề trung tâm của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (con người, hành tinh, sự thịnh vượng và hòa bình), với chín nhóm kết quả tương ứng.
Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 tiếp tục phát triển nền tảng cho việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, Chính phủ, các đối tác tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức và các nhóm phi chính phủ được thành lập hợp pháp.
Sáng kiến cải tổ “Thống nhất Hành động” được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 2006 khi Chính phủ của tám quốc gia - Albania, Cape Verde, Mozambique, Pakistan, Rwanda, Tanzania, Uruguay và Việt Nam tự nguyện thực hiện thí điểm sáng kiến này. Tám quốc gia đã đồng ý tận dụng những thế mạnh và lợi thế so sánh của các thành viên khác nhau trong gia đình Liên hợp quốc và tìm cách tăng cường tác động của hệ thống Liên hợp quốc.
Tại Việt Nam, Sáng kiến “Thống nhất Hành động” thực hiện trên sáu trụ cột chính của cải cách ở Việt Nam bao gồm một kế hoạch chung, một ngân sách chung, một lãnh đạo chung, một bộ các quy định quản lý chung, một tiếng nói chung và một ngôi nhà xanh chung của Liên hợp quốc./.