Từ ngày 4-8/8, khóa tập huấn phát triển chương trình đào tạo về biến đổi khí hậu dành cho hơn 100 giảng viên đại học đến từ 14 trường đại học và học viện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra tại thành phố Petaling Jaya ở bang Selangor (Malaysia).
Khóa tập huấn được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Chương trình giảm phát thải từ rừng khu vực châu Á (USAID LEAF) và Cơ quan lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS).
Khóa tập huấn là bước thứ 6 trong tiến trình 9 bước của chương trình đào tạo về biến đổi khí hậu khu vực được khởi động từ tháng 10/2012, tập trung vào 4 học phần chính gồm: đại cương về biến đổi khí hậu, giải pháp đảm bảo môi trường và xã hội, giảm phát thải trong quy hoạch sử dụng đất; đo tính và giám sát carbon (các-bon).
Đoàn Việt Nam, gồm 18 giảng viên thuộc các trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Đà Lạt, Đại học Vinh và Học viện Kỹ thuật châu Á, cùng bốn cán bộ của USAID LEAF và Chương trình rừng và đồng bằng Việt Nam đã trình bày bài giảng cho cả bốn học phần trên.
Giám đốc Chương trình USAID LEAF, tiến sỹ David Ganz, đánh giá cao sự tham gia tích cực và đóng góp đáng kể của các trường đại học Việt Nam từ đầu tiến trình đến nay. Ông cho biết cả ba trường đại học Việt Nam tham gia chương trình đang từng bước lồng ghép giảng dạy về biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo trình độ đại học.
Tiến sỹ Ganz bày tỏ hy vọng trong tương lai không xa các trường này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc nhân rộng gói tài liệu chương trình đào tạo về biến đổi khí hậu khu vực cho nhiều trường đại học khác ở Việt Nam, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có hiểu biết chuyên sâu về biến đổi khí hậu.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Bùi Thế Đồi, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế trường Đại học Lâm nghiệp, cho biết tính đến tháng 8/2014, trường đã có 15 giảng viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo và hội thảo về xây dựng chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu.
Qua các hoạt động này, cán bộ và giảng viên của trường được trang bị nhiều kiến thức sâu rộng về biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như tham gia vào các chương trình, dự án về lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên rừng bền vững, giảm phát thải từ suy thoái rừng và mất rừng (REDD+)…
Theo các nhà tổ chức, việc quy tụ hơn 100 giáo sư đại học, giảng viên và các chuyên gia tại Petaling Jaya là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường nỗ lực phát triển chương trình biến đổi khí hậu ở cả cấp độ quốc gia và khu vực./.