Việt Nam và nguy cơ rủi ro từ tài chính toàn cầu

Việt Nam nguy cơ gặp rủi ro từ chính sách tài chính toàn cầu

Các chuyên gia khuyến cáo xu hướng thắt chặt chính sách tài chính toàn cầu làm tăng nguy cơ rủi ro cho những nền kinh tế mới nổi có một quá trình phát triển tín dụng “nóng.”

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc các nước phát triển có xu hướng thắt chặt chính sách tài chính sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro cho những nền kinh tế mới nổi có một quá trình phát triển tín dụng “nóng” nói chung và Việt Nam cũng cần thận trọng.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, kinh tế thế giới từ nay đến năm 2016 có sự phục hồi, tuy nhiên quá trình này diễn ra tương đối từ từ.

Ông Thành cho rằng, mức độ tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn nhiều so với mức độ phục hồi kinh tế thế giới trước khủng hoảng vào năm 2010. Bên cạnh đó, tin tốt lành sẽ dành cho các nước và khu vực phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… nhưng với các nước đang phát triển thì vẫn chậm và gắn với những rủi ro.

Dự báo từ Ngân hàng Thế giới (WB), tại các nước thu nhập cao tăng trưởng sẽ có mức tăng từ 1,3% năm 2013 lên 2,2% năm nay và ổn định ở mức 2,4% năm 2015 và 2016. Trong đó, nền kinh tế Hoa Kỳ dự tính sẽ tăng trưởng 2,8% năm nay (năm 2013 là 1,8%), và ổn định ở mức 2,9% năm 2015 và 3% năm 2016. Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro, sau hai năm sụt giảm, dự định sẽ đạt 1,1% năm nay và 1,4% và 1,5% trong các năm 2015 và 2016.

Nhưng bên cạnh đó, các chuyên gia WB cũng chỉ ra, các nước đang phát triển có thể chịu tác động từ những lực đối trọng tại các nước thu nhập cao. Khi kinh tế tại các nước thu nhập cao tăng trưởng, một mặt sẽ làm tăng nhu cầu hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, nhưng mặt khác lại làm tăng lãi suất và làm giảm luồng vốn đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Andrew Burns thuộc Ngân hàng Thế giới cảnh báo, “chính sách cắt giảm lưu hoạt tiền tệ có định lượng trên toàn cầu với kịch bản khả dĩ nhất là diễn ra suôn sẻ thì vẫn tiềm ẩn bất trắc và dao động.

Dự báo, tình hình tài chính sẽ thắt chặt trong vòng 5 năm tới, dẫn đến nguồn vốn đầu tư giảm, chi phí vốn cao và khả năng sẽ tăng áp lực nên ngành ngân hàng tại các nền kinh đã cho vay quá nóng trong vòng 5 năm trở lại đây, hay những nước có dư địa ngân sách ít, nợ nước ngoài nhiều, tỷ lệ nợ ngắn hạn cao, thâm hụt ngân sách cao.”

Ngoài ra, ông Burns cũng chỉ rõ, nguồn gốc bất ổn xuất phát từ việc giá cả hàng hóa giảm, điều này có thể là vấn đề lớn đối với các nước xuất khẩu hàng hóa và bị thâm hụt cán cân thanh toán lớn, hoặc tăng trưởng đầu tư dựa vào hàng hóa.

Thêm vào đó, giới chuyên gia tỏ ra quan ngại về các biện pháp hành chính trong điều hành kinh tế sẽ gây ra những khiếm khuyết trong dài hạn.

Trong góc độ toàn cầu, chính sách kiểm soát giá trong thời gian dài làm bóp méo, quay trở lại hạn chế tăng trưởng.

Do đó các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần thận trọng và không nên áp dụng thường xuyên các giải pháp hành chính, vì hậu quả là rất khó dự đoán và nếu xảy ra rồi thì khó giải quyết đồng thời ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Hơn thế nữa, tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, việc áp đặt biện pháp hành chính thì dễ và mặc dù có tác dụng trong ngăn chặn các vấn đề trước mắt nhưng nó làm méo mó về phân bổ nguồn lực và cả về đạo đức xã hội.

“Tuy nhiên cái khó ở đây là rút lui khỏi biện pháp hành chính thế nào là cực khó. Ví dụ khi áp đặt trần lãi suất tương đối dễ dàng, nhưng không biết rúi lui thế nào. Cách làm hiện nay của Ngân hàng nhà nước vẫn chưa tính đến thời điểm thắng lợi cũng như dừng chặn trần lãi suất, đây quả là quá trình gian nan. Bởi khi áp dụng biện pháp hành chính, chúng ta chưa nghĩ đến kế hoạch rúi lui khỏi biện pháp này,” ông Thành nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục