Mạng xã hội Trung Quốc vừa dấy lên làn sóng tranh cãi quanh vụ một ông lão bị đột quỵ trên đường, nhưng ai cũng ngại ngần tới giúp đỡ vì sợ bị hiểu lầm là mình đã đánh ngã người bị nạn.
Theo trang mạng HNR.cn, sự việc xảy ra ở thành phố Dương Châu, tỉnh Hồ Nam sáng 19/9. Ông lão nói trên đã tự ngã xuống đường khi đang đi bộ, mặt chảy be bét máu.
Người đi đường khi đó cũng không đến nỗi vô cảm không chạy tới cứu giúp. Nhưng trước khi dìu ông lão đứng dậy, nhiều người đã cẩn thận chụp lại ảnh vì sợ rằng mình sẽ bị hiểu lầm là kẻ gây ra tai nạn.
Sau đấy, đám đông mới cùng ùa tới và gọi xe cứu thương.
Khi được hỏi việc chụp ảnh có cần thiết hay không, một nhân chứng có mặt tại hiện trường nói với trang HNR như sau: “Ông ấy bị chảy máu nên ai cũng ngại tới giúp đỡ. Sẽ thật rắc rối nếu như có kẻ nào nói rằng chính người đó đã đánh ngã ông ta, điều đã từng xảy ra nhiều lần thời gian qua.”
Hồi đầu tháng này, một sinh viên ở tỉnh An Huy đã lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” chỉ vì giúp đỡ một người bị tai nạn giao thông, bởi người đi đường tưởng cậu sinh viên gây ra tai nạn nên phải bồi thường. Có ý kiến cho rằng cậu sinh viên đã bị những kẻ xấu bụng đặt bẫy.
Vụ việc sau đó đã gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, khi nhiều người tuyên bố giờ sẽ phải cân nhắc trước khi giúp đỡ bất kỳ ai đó.
Tương tự, vụ việc mới nhất ở Dương Châu cũng gây ra những cuộc tranh cãi bất tận.
“Thật buồn khi đạo đức giờ cũng cần có bằng chứng,” một người dùng mạng Weibo viết.
“Khi nhìn thấy người bị nạn, tốt nhất là nhìn quanh có ai quay phim hay không để còn làm bằng chứng rồi mới gọi cảnh sát hay cứu thương,” một người khác viết./.