Chiều nay (1/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức cuộc Họp báo thường kỳ về nhiệm vụ trọng tâm tháng Chín và quý 4 của năm 2016, tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) Phùng Hữu Hào cho biết, qua kiểm tra tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, chất cấm và dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép 8 tháng qua là 1,23%, tăng so với tỷ lệ 0,89% của năm trước và không đạt được chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2016 là giảm 10% so với năm 2015.
“Về thanh, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, NAFIQAD đã chủ trì, phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86), Bộ Công an tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu (từ 26/7 đến 28/7), tại Cà Mau (từ 15/8-30/8). Kết quả, NAFIQAD đã phát hiện, bắt quả tang việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại 2 tụ điểm tại Bạc Liêu, 1 tụ điểm và 2 doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau,” Phó Cục trưởng Phùng Hữu Hào chỉ rõ.
Phó Cục trưởng Phùng Hữu Hào cũng cho biết, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh, kiểm tra và kiểm soát tạp chất là cơ sở vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó hết sức tinh vi nhằm che giấu, gây khó khăn cản trở cho lực lượng kiểm tra. Và đặc biệt, còn có sự hạn chế trong công tác phối hợp với lực lượng chuyên ngành để kiểm tra phương tiện vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy từ các tỉnh Bạc Liệu, Cà Mau. Việc tham gia chính quyền địa phương (huyện, xã) không tích cực.
Mặt khác, tạp chất khó phát hiện không chỉ được đưa vào tôm sú như trước đây mà cả tôm thẻ chân trắng kích cỡ nhỏ; việc phát hiện vi phạm không chỉ tại các tụ điểm, đại lý thu gom mà cả tại doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Phùng Hữu Hào cũng cho biết tỷ lệ mẫu thịt các loại vi phạm chỉ tiêu hóa chất, chất cấm và dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép 8 tháng qua là 0,31% giảm 87,6% so với năm 2015 (2,5%). Vượt chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2016 là giảm 10% so với năm 2015.
Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu hóa chất, chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép 8 tháng qua 2016 là 3,43% giảm 60,1% so với năm 2015 (8,6%), vượt chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2016 là giảm 10% so với năm 2015.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, việc sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm động vật này sẽ bị tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (gây các triệu chứng dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư khi trong cơ thể tích tụ hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép).
Do đó, theo ông Việt việc dùng hóa chất công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là một hành vi nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của ngành thủy sản. Tính riêng trong năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng.
“Trong tháng 9, chúng tôi sẽ tập trung vào hai vấn đề chính. Một là vấn đề bơm tạp chất, kháng sinh vào tôm và bơm nước vào lợn. Thứ hai là về chất cấm, vừa rồi Bộ Y tế vừa nhập 50kg chất Sabultamol, Bộ Nông nghiệp cũng đã có công văn đề nghị Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ việc này. Theo đó ngành nông nghiệp đặt mục tiêu hết năm 2016 sẽ hoàn không có sử dụng chất cấm,” ông Việt nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm chỉ đạo tại cuộc Họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động năm an toàn thực phẩm. Trong số đó tập trung vào dịp Trung thu, vào mùa lễ hội, Tết Nguyên đán và mùa xuất khẩu nông sản cuối năm./.