Ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước làm kìm hãm tăng trưởng

Các đối tác phát triển thúc giục Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước dựa trên các giá trị thực chất, công bằng và minh bạch.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2013, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách nhằm tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô đã được các nhà tài trợ đánh giá cao.

Theo đó, các nhà tài trợ nhận định rằng, đây chính là thời điểm cần thiết để Việt Nam tiến hành các cuộc cải cách nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, với các thủ tục trở nên đơn giản hơn, các quy định được thực thi một cách công bằng. Các công ty cạnh tranh dựa trên các giá trị thực chất, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn, đất đai và nắm bắt cơ hội.

Cải cách đi vào thực chất

Theo ông Sato Motonobu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, “nền kinh tế Việt Nam đang ở ranh giới giữa ngưng trệ và phát triển, bởi với cơ sở kinh tế công nghiệp hiện nay để có thể vừa duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-7% là gần như không thể.”

Do đó ông Sato nhấn mạnh, mặc dù số lượng doanh nghiệp phá sản tính đến tháng Chín chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái song Việt Nam vẫn cần giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế một cách nhanh chóng, trong đó yêu cầu đặc biệt là phải tái cấu trúc triệt để các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm khoảng 40% toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cơ cấu này không có gì đáng quan ngại. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước hầu như được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp…

Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế đồng thời dẫn đến việc giảm đầu tư của khu vực tư nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Sato đưa ra dẫn chứng và khuyến cáo, “trong khi các doanh nghiệp nhà nước có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì trường hợp doanh nghiệp tư nhân xin vay vốn là vô cùng khó khăn.

Nếu không thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất kinh doanh thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không còn,” ông Sato khuyến cáo.

Qui rõ trách nhiệm

Hơn nữa, các nhà tài trợ cũng chỉ ra việc Việt Nam chưa thực thi đầy đủ những quy trình, cơ chế đảm bảo doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trước cổ đông. Tình trạng trên khiến cho hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp này trở nên thiếu hiệu quả đồng thời dẫn tới việc sử dụng nguồn vốn nhà nước sai mục đích.

Vì vậy, để cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Chính phủ cần phải phân biệt rõ vai trò hoạch định chính sách và chủ sở hữu doanh nghiệp của mình.

Cụ thể, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore kiến nghị, ở góc độ hoạch định chính sách, Chính phủ phải điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Góc độ là chủ sở hữu, Chính phủ cần đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, bền vững và để làm được điều này, đòi hỏi phải có cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch.

Liên quan đến tiến trình hội nhập, các nhà tài trợ nhấn mạnh khả năng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán và đây là môi trường thúc đẩy sự cải tổ cho các doanh nghiệp nhà nước.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Steven Winkelman chỉ ra, tham nhũng và xung đột lợi ích đã trở thành các vẫn đề cố hữu trong cơ cấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu các vấn đền quản lý cơ bản không được giải quyết thì quá trình phát triển sẽ gặp nhiều thách thức.

“Các nhà đầu tư băn khoăn, liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức hay tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán,” ông Steven nói.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng cho rằng, rất cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy khu vực này hoạt động kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở áp dụng triệt để nguyên tắc thị trường, bảo đảm không phân biệt đối xử, quản trị hiện đại đồng thời tách bạch giữa sở hữu vốn và quản trị.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế từ chương trình đến hành động” đã được tổ chức sáng 3/12 tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục