Bên lề Hội thảo chương trình tập huấn nghiệp vụ báo chí về môi trường và biến đổi khí hậu tại Nam Định, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Todd Raymond Johnson, Cố vấn về Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu, Vụ châu Á, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ về những nhận định đối tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay, những chương trình mà USAID đang triển khai, cũng như những vấn đề hợp tác có liên quan đến biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Sau đây là nội dung phỏng vấn:
- Thưa ông Todd Raymond Johnson, ông đánh giá thế nào về vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt?
Ông Todd Raymond Johnson: Như chúng ta biết, Việt Nam là một trong những nước dễ tổn thương nhất thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng, mực nước biển tăng, gia tăng số lượng các cơn bão đe doạ an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, hạn hán và xâm nhập mặn đã xảy ra trên nhiều tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long một phần là do tác động của ELNino. Đó là một trong những yếu tố tác động rõ rệt nhất có thể thấy do biến đổi khí hậu đã gây ra.
Tôi lấy ví dụ ngay tại Nam Định, đặc biệt là tại các huyện ven biển như Giao Thủy, không chỉ có vấn đề hạn hán và lũ lụt ảnh hưởng đến nông dân, ngư dân và người chăn nuôi. Những người dân sinh sống ven biển cũng phải đối mặt với mực nước biển dâng, tăng độ mặn trong các giếng nước và các cánh đồng và các cơn bão ngày càng nhiều với cường độ ngày càng mạnh lên.
Một số các khu vực khác hứng chịu thời tiết là nhiệt độ lạnh hơn một cách bất thường, tác động của biến đổi khí hậu tùy thuộc vào từng vùng, từng đối tượng thuộc các ngành nghề khác nhau thì có cách ứng phó khác nhau. Ví dụ như với người nông dân thì trước hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với tình trạng thời tiết này, hay với người nông dân trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên hay trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, cần có cách ứng phó phù hợp. Mỗi một cá nhân hay cộng đồng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cần phụ thuộc vào từng tác động cụ thể của khí hậu để ứng phó.
- Hiện nay, USAID đang triển khai những chương trình nào liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Việt Nam, hiệu quả thực hiện của các chương trình này thế nào, thưa ông?
Ông Todd Raymond Johnson: Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tự hào hợp tác với Chính phủ và người dân Việt Nam để hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang giúp Việt Nam đưa Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam thành những hành động thực tế ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Chúng ta đang cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Ngay tại tỉnh Nam Định và một số tỉnh khác tại Đồng bằng sông Hồng, việc hợp tác đã bắt đầu triển khai. Thông qua Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam của USAID, chúng tôi đang giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam giảm phát thải từ rừng và nông nghiệp, tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Hồng.
USAID đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Chữ thập đỏ Nam Định nhằm tăng cường năng lực của tỉnh Nam Định và các khu vực, để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai thông qua sự tham gia tích cực của thanh niên trong đánh giá rủi ro và triển khai các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thời gian tới USAID sẽ có sự hợp tác như thế nào đối với vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Todd Raymond Johnson: Tổng thống Obama trong chuyến thăm và việc với Việt Nam gần đây đã công bố một quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong số các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác này có việc hỗ trợ tăng cường khả năng thích ứng và giảm tính dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực sông Mekong và Đồng bằng sông Hồng.
Hai nước cũng nhất trí hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó thiên tai có sự điều phối, hỗ trợ các hệ thống cảnh báo sớm cho các cộng đồng dễ tổn thương với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để tiếp nối và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hiện tại như đã nêu trên tại Việt Nam.
Với những thành công đã đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai để tiếp nối những thành công này trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những cuộc trao đổi để có thể xác định được những vấn đề ưu tiên mới phù hợp với tình hình mới; xác định được những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm và sẽ cùng hợp tác để giải quyết trong khuôn khổ chung, tiếp tục hoàn thiện để thực hiện tốt những ưu tiên mới này.
Xin cảm ơn ông!