Tỷ lệ thịt lợn biết nguồn gốc tại chợ đầu mối TP. HCM tăng gần 3 lần

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì kiểm tra, giám sát 100% thịt lợn vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn và một số cơ sở giết mổ trên địa bàn.
Tỷ lệ thịt lợn biết nguồn gốc tại chợ đầu mối TP. HCM tăng gần 3 lần ảnh 1(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thực hiện "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn," ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì kiểm tra, giám sát 100% thịt lợn vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn và một số cơ sở giết mổ trên địa bàn.

So với ngày đầu tiên triển khai là đêm 30 rạng sáng ngày 31/7, tỷ lệ lợn có thể kích hoạt thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc chỉ đạt khoảng 13%, thì đến đêm 31/7 và rạng sáng ngày 1/8, tỷ lệ này đã tăng lên và đạt 37%.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra, giám sát trong đêm 31/8 và rạng sáng ngày 1/8 cũng cho thấy, số lượng lợn về thị trường thành phố tiêu thụ qua kênh truyền thống đạt hơn 8.500 con.

Ghi nhận thực tế tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài những điểm bán có đăng ký kinh doanh sản phẩm lợn nhận diện và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm thịt lợn không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc vẫn được bán buôn bình thường.

[Giá thịt lợn tăng mạnh đẩy giá thu mua gia cầm nhích lên]

Các tiểu thương cho biết, sản phẩm tuy không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn đảm bảo có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận từ cơ quan thú y như từ trước đến nay. Cụ thể, giá thịt lợn được bán buôn tại chợ bán lẻ như thịt lợn nạc có giá phổ biến ở mức 85.000 đồng/kg, cốt lết và sườn lợn là 80.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi là 75.000 đồng/kg...

Mặc dù, theo tiến độ thực hiện "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn," kể từ ngày 31/7, bắt buộc 100% thịt lợn vận chuyển vào địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ phải có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc, nhưng tính đến thời điểm hiện tại mục tiêu này chưa đạt được và tỷ lệ lợn có thể nhận diện và truy xuất nguồn gốc được đánh giá là khá thấp.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương, khẳng định với sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân, các sở ngành Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải tiếp tục khắc phục các rào cản và nỗ lực tháo gỡ khó khăn để đạt được mục tiêu đã đề ra của "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn."

Đề án này không chỉ nhằm tổ chức lại thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn, mà còn góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi nội địa theo hướng chăn nuôi, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, hiện tại kết quả kiểm tra, giám sát đã được cập nhật và báo cáo với Ủy ban Nhân dân Thành phố và Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ sớm có chỉ đạo cũng như triển khai những giải pháp cụ thể đối với "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn."

Tuy nhiên, các sở ngành đã có đề xuất cần những biện pháp phối hợp và chế tài mạnh mẽ hơn, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ... Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu phương án áp dụng quy định về ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm để yêu cầu các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng mặt hàng thịt lợn vào thị trường thành phố tuân thủ quy trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Hiện tại, dự thảo Quy chế hoạt động mới của các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn đã được Sở Công Thương trình lên Ủy ban Nhân dân Thành phố và chờ phê duyệt. Nếu Quy chế này được ban hành, ngoài những tiêu chuẩn hiện hành như hóa đơn, chứng từ... thương nhân hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục