Hãng PTI đưa tin Trung Quốc ngày 2/8 đã tuyên bố nước này đã chuyển tới Ấn Độ lập trường cứng rắn rằng New Delhi phải thực hiện "những hành động cụ thể" bằng cách rút quân ngay lập tức khỏi Doklam, thuộc khu vực Sikkim mà "không có gì ràng buộc" để giải quyết tình trạng đối đầu hiện nay.
Cung cấp thông tin về cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra ngày 28/7 giữa Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay hai quan chức này đã trao đổi quan điểm về hợp tác trong nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), quan hệ song phương và những vấn đề lớn liên quan.
Hiện, ông Doval và ông Dương Khiết Trì là 2 đại diện đặc biệt trong các cuộc đàm phán về biên giới giữa hai nước.
[Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc mua lại công ty dược phẩm Gland]
Trong trả lời bằng văn bản về các cuộc thảo luận liên quan tới tình trạng đối đầu ở Doklam, nảy sinh khi Trung Quốc bắt đầu làm một con đường trong khu vực này, bộ trên cho hay ông Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp song phương với ông Doval "theo yêu cầu của ông này và theo thông lệ."
Bộ trên cho biết thêm trong cuộc thảo luận với ông Doval, ông Dương Khiết Trì còn "hối thúc Ấn Độ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản ảnh hưởng tới quan hệ hai nước và ngay lập tức rút binh sỹ đã tràn qua biên giới về phía đường biên giới của Ấn Độ mà không có sự ràng buộc nào và giải quyết vụ việc hiện nay bằng những hành động cụ thể."
Lập trường của Ấn Độ về vấn đề này đã được Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ hồi tháng trước khi tuyên bố cả hai bên trước hết phải cùng rút quân về để thực hiện bất kỳ cuộc đàm phán nào, ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc đối đầu ở biên giới.
Cùng ngày, mạng tin India Today cho biết trong bối cảnh quan hệ Ấn-Trung tiếp tục diễn biến căng thẳng liên quan đến tranh chấp biên giới, Trung Quốc đã công bố bản báo cáo dài 15 trang về tình hình Doklam cho rằng Bắc Kinh đã thông báo trước cho New Delhi về việc xây dựng một con đường tại khu vực này và cáo buộc Ấn Độ sử dụng Bhutan như là “cái cớ.”
Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đọan “vấn đề biên giới Trung Quốc - Bhutan là vấn đề song phương giữa hai nước. Ấn Độ không có quyền can thiệp hoặc cản trở các cuộc đàm phán biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan, cũng như không có quyền đưa ra tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ của người Bhutan.”
Báo cáo trên cho rằng sự kiện Doklam là “rất nghiêm trọng” và về cơ bản khác với những xích mích trong quá khứ giữa quân đội hai nước ở khu vực biên giới chưa phân định, đồng thời yêu cầu Ấn Độ “rút quân ngay lập tức” và nhanh chóng giải quyết vụ việc, khôi phục hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới hai nước./