Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước

Theo Tờ trình của Chính phủ, thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách Trung ương giảm, nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội.
Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 22/5, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình chính trị-kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt giá dầu giảm nhanh và sâu ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu, gây áp lực lên cân đối ngân sách.

Thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách Trung ương giảm, nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015 cụ thể: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016).

Báo cáo chỉ rõ, việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2015. Nhờ đó đã tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý ngân sách Nhà nước ở một số đơn vị, địa phương còn một số tồn tại hạn chế; đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

Thẩm tra về Báo cáo Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc. Số vượt thu trong năm 2015 chủ yếu là do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước và thu từ đất đai, tài nguyên còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước, thể hiện tính thiếu bền vững và chưa xuất phát từ nội lực phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu; việc hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi ngân sách Nhà nước.

Về Quyết toán chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 là 1.502.189 tỷ đồng , Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá công tác quản lý, chấp hành dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2015 có tiến bộ, bám sát chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách Nhà nước được tăng cường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công.

Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Bên cạnh đó, sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra. Công tác phân bổ, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển chưa kịp thời, chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đảm bảo sử dụng ngân sách Nhà nước đúng mục đích, hiệu quả,” Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Đối với nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho biết, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8 % GDP. Công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ công và bản tin nợ công năm 2015; đã lập chứng từ ghi thu-ghi chi nhưng chưa thực hiện ghi thu-ghi chi và phản ánh vào quyết toán ngân sách Nhà nước số tiền 18.123 tỷ đồng khoản vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

Tại phiên làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo chương trình, ngày mai (23/5), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục