Trao đổi thương mại Việt-Nga hướng tới 10 tỷ USD vào năm 2020

Bộ Công Thương đang phấn đấu đạt kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Liên bang Nga lên con số 10 tỷ USD vào năm 2020.
Trao đổi thương mại Việt-Nga hướng tới 10 tỷ USD vào năm 2020 ảnh 1Các giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Bộ Công Thương đang phấn đấu đạt kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Liên bang Nga lên con số 10 tỷ USD vào năm 2020.

Nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi trước những dự án lớn, nhiều triển vọng, nhất là sau lần đầu tiên quan hệ thương mại hai nước đạt kim ngạch 3 tỷ USD vào năm 2014.

Theo Vụ Thị trường châu Âu-Bộ Công Thương, Liên bang Nga vẫn là một thị trường truyền thống của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm như thủy sản, càphê, hạt tiêu, chè, rau quả, hạt điều, gạo.

Nhưng kim ngạch song phương còn chiếm tỷ trọng chưa cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả Việt Nam và Nga, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn ở mức khiêm tốn. Do đó, cần có những phương án cụ thể trong hoạt động nghiên cứu khảo sát thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm để đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Về lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương cho biết hiện hai nước đã có thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam.

Cùng với đó, trong lĩnh vực dầu khí hai nước đã có truyền thống hợp tác tốt đẹp và triển vọng sáng sủa với sự hợp tác của các công ty Nga như Gazprom, Rosneft, Zarubeneft với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam PetroVietnam trong việc thăm dò và thực hiện các dự án chung khai thác một cách hiệu quả các mỏ dầu không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn trên lãnh thổ Liên bang Nga.

Không những thế, quan hệ kinh tế thương mại hai nước sẽ có thêm một xung lực mới với việc kết thúc đàm phán và đi đến ký kết Thỏa thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thỏa thuận đó sẽ được ký kết ngay trong năm nay.

Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Âu cũng đưa ra khuyến cáo khi xuất khẩu vào khu vực này doanh nghiệp rất khó tiếp cận được mạng lưới tiêu thụ, nhất là các chuỗi siêu thị lớn, sự cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khác, khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính...

Việc đàm phán về phương thức thanh toán là vấn đề rất khó khăn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa cũng là một khó khăn lớn do việc vận chuyển hàng mất nhiều thời gian có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng của hàng hóa.

Vì vậy, để tiếp cận sâu và rộng vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình. Đồng thời, trực tiếp tham gia các hội chợ, triển lãm, tìm những đối tác tin cậy, tiếp cận các trung tâm phân phối lớn và các mạng lưới tiêu thụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục