Thực trạng tăng dân số cơ học cao kéo theo số học sinh mỗi năm tăng hàng chục ngàn em đã tạo áp lực lớn về trường lớp và đội ngũ giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp năm học mới.
Trong điều kiện trường lớp còn hạn chế, giải pháp duy nhất là phải tăng sĩ số lớp học, giảm số lớp học bán trú để ưu tiên việc đảm bảo đủ chỗ cho tất cả học sinh.
Cùng với đó, thành phố tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trường lớp mở không kịp
Với đặc thù là đô thị lớn, nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, kéo theo lượng học sinh hàng năm tăng cao.
Bình quân mỗi năm số học sinh thành phố tăng khoảng gần 60.000 học sinh. Mỗi năm, thành phố đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng yêu về chuẩn trường lớp.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2017-2018, thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh, tăng hơn 59.000 học sinh so với năm học 2016-2017. Trong đó, bậc Mầm non tăng hơn 19.800 em, bậc Tiểu học tăng nhiều nhất với hơn 20.000 em, bậc Trung học Cơ sở tăng 12.700 em và bậc Trung học Phổ thông tăng hơn 6.300 em.
Tỷ lệ học sinh tăng mạnh qua từng năm đặt ra yêu cầu khó khăn cho mỗi địa phương trong việc đáp ứng yêu cầu về trường lớp cho học sinh.
Số học sinh tăng cao nhất ở các quận Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, Quận 9, Quận 12… Riêng Quận 12 tăng gần 8.500 học sinh. Đây là một trong những năm quận có số học sinh tăng cao nhất, những năm trước tăng khoảng 6.000 học sinh/năm, khiến áp lực về chỗ học đảm bảo cho học sinh càng khó khăn.
Chưa hết, số học sinh nhập học đầu cấp luôn tăng cao, đặc biệt ở các phường Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành, Thới An, An Phú Đông, Trung Mỹ Tây.
Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12, trên thực tế, cơ sở vật chất xây dựng hàng năm luôn không theo kịp với đà tăng số lượng học sinh.
Kế hoạch thêm trường lớp hàng năm luôn được xây dựng để đáp ứng được lượng học sinh tăng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch rất khó do nguồn ngân sách hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.
Tương tự, các bậc học tại huyện Bình Chánh dự kiến tăng 10.000 học sinh so với năm học trước. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, số học sinh tăng cao nhiều nhất ở bậc Tiểu học.
Địa bàn xã Vĩnh Lộc A hiện tại có đến ba trường Tiểu học, mỗi trường 30 phòng trở lên và hai trường trung học cơ sở nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ học theo đúng chuẩn cho học sinh trên địa bàn.
Kế hoạch đưa vào sử dụng một trường tiểu học trong năm học này tại xã Vĩnh Lộc A không thực hiện được do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Trường mới được khởi công và dự kiến tới năm học 2018-2019 mới có thể hoàn thành.
Xây thì vẫn xây, thiếu thì vẫn thiếu, bởi số học sinh tăng nhanh trong khi việc xây dựng trường lớp chậm do nhiều nguyên nhân nên không “đuổi” theo kịp yêu cầu thực tế.
Tiến độ thực hiện các dự án xây dựng mạng lưới trường học như hiện nay không đạt yêu cầu đề ra, ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Tại quận Bình Tân năm học này đã có thêm được hai trường mới đưa vào sử dụng nhưng là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế, chỉ giúp giảm bớt một phần áp lực cho từng khu vực chứ không giải quyết được vấn đề của khu vực lân cận.
Số học sinh tại quận này tập trung nhiều nhất ở hai phường Bình Trị Đông A, Bình Hưng Hòa B. Trường Tiểu học Bình Trị Đông A có đến 900 học sinh đăng ký vào lớp 1 nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu học sinh tại chỗ được khoảng 250 em. Số còn lại sẽ phải chuyển qua các phường lân cận để học.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân chia sẻ, mỗi năm, quận đưa vào sử dụng khoảng 100 phòng học mới nhưng con số này là không đủ so với học sinh tăng.
Phân tích cụ thể, với số học sinh trên địa bàn hiện có, nếu tính đúng chuẩn, ở bậc tiểu học, quận cần 1.393 phòng học song hiện tại mới có 571 phòng học.
Với 25.000 học sinh bậc trung học cơ sở, quận cần có 833 phòng học nhưng hiện mới có 396 phòng học.
[Rà soát, chấn chỉnh việc triển khai mô hình trường tiểu học mới VNEN]
Sang năm học 2017-2018, các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi bắt đầu có số học sinh tăng khá cao do là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học cao.
Tăng sĩ số mỗi lớp, giảm số lớp bán trú
Trong điều kiện số học sinh tăng cao, cơ sở vật chất khó khăn, để có đủ chỗ học cho mọi học sinh, các trường phải tăng sĩ số lớp học và giảm các lớp bán trú trong trường học.
Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ có 100% học sinh tiểu học, 65% học sinh trung học cơ sở và 40% học sinh trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày là rất khó khăn.
Quận 12, hiện chỉ có hai trường tiểu học tiên tiến đạt chuẩn quốc gia có sĩ số 35 học sinh/lớp, các trường khác ở các bậc học đều khoảng 50 học sinh/lớp trở lên.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho rằng, sĩ số lớp cao ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, với chủ trương ưu tiên đảm bảo chỗ học cho mọi học sinh, tình trạng quá tải là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tại quận chỉ duy trì ở mức 25% ở bậc tiểu học và 21% ở bậc trung học cơ sở.
Nhu cầu cho con học bán trú của phụ huynh rất lớn nhưng quận không nâng được tỷ lệ lớp học bán trú.
Thực tế, số học sinh mỗi lớp tại quận Bình Tân khá cao và còn có xu hướng tăng, cụ thể như bậc tiểu học tăng từ 40,1 học sinh/lớp ở năm học 2016-2017, đến năm học này tăng lên 40,6 học sinh/lớp; bậc trung học cơ sở con số tương ứng là 40,3 và 41,8.
Để đáp ứng chỗ học trong điều kiện cơ sở vật chất có hạn, quận đã giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày xuống khá thấp, chỉ khoảng 30%.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Tân Ngô Văn Tuyên, giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng quá tải học sinh là tập trung đầu tư xây dựng trường lớp đúng kế hoạch, quy hoạch.
Tuy nhiên, số trường lớp được xây mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng còn quá ít so với nhu cầu. Với tiến độ xây dựng trường lớp chậm và tốc độ tăng học sinh nhanh như hiện nay, mục tiêu về giảm sĩ số lớp học, tổ chức lớp học 2 buổi/ngày ở các bậc học rất khó đạt được.
Quận Bình Tân đã quy hoạch được 100 điểm để xây dựng trường từ nay đến năm 2020 nhưng mỗi năm chỉ xây dựng chỉ được 3-4 trường do ngân sách không đáp ứng, việc giải tỏa, đền bù cho các hộ dân cũng gặp không ít khó khăn và kéo dài.
Điển hình như dự án xây dựng một trường trung học cơ sở tại phường Bình Trị Đông B từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết xong.
Theo các quận, huyện, việc xã hội hóa xây dựng trường lớp cũng không dễ, bởi sau khi đưa vào sử dụng, học phí của các trường này cao hơn nhiều so với các trường công nên khó thu hút được người học trong khi địa bàn quận phần lớn học sinh là con em công nhân lao động, đời sống còn khó khăn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố thực hiện 722 dự án xây dựng trường học với quy mô gần 12.800 phòng học nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Hiện thành phố đã đạt 259 phòng/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Thực hiện mục tiêu trên, ngành giáo dục và đào tạo đã tiến hành rà soát tại các quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn này, thành phố đầu tư 722 dự án, quy mô phòng học 12.785 phòng học.
Theo các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, bên cạnh việc quy hoạch xây dựng mạng lưới trường học, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó tập trung giải quyết việc giải phóng mặt bằng nhanh để các dự án xây dựng trường học sớm được thực hiện./.