TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em lần thứ 11

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh, một bé trai 10 tuổi bị xơ gan do teo đường mật bẩm sinh đã được phẫu thuật ghép gan từ người mẹ của mình.
TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em lần thứ 11 ảnh 1 Chuyên gia Bỉ và các bác sỹ thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhi. (Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 2)

Một bé trai 10 tuổi bị xơ gan do teo đường mật bẩm sinh đã được phẫu thuật ghép gan từ người mẹ của mình.

Đây là ca phẫu thuật ghép gan lần thứ 11 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều 17/4, bác sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh nhi được ghép gan tên là Dương Gia Khiêm, 10 tuổi được chẩn đoán xơ gan, tăng áp cửa/teo đường mật đã phẫu thuật Kasai (phẫu thuật mở thông nối ruột-tĩnh mạch cửa-gan) lúc 2 tháng tuổi. Người hiến tặng gan là mẹ của bé, chị Phạm Thủy Tiên, 40 tuổi, ngụ tại tỉnh Bạc Liêu.

Theo giáo sư Trần Đông A, cố vấn chính của êkíp phẫu thuật, đây là một ca ghép gan đặc biệt bởi cả người cho và người nhận gan đều có những bất thường.

Bệnh nhi bị tăng áp lực động mạch cửa khiến lá lách to bất thường làm cho tiểu cầu giảm rất thấp, chỉ còn 29.000 đơn vị (người bình thường từ 130.000-400.000 đơn vị tiểu cầu). Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ cũng không thể truyền quá nhiều tiểu cầu cho bé vì dễ gây ra tắc mạch. Các bác sỹ đã quyết định chỉ truyền vừa đủ tiểu cầu, khoảng 50.000 đơn vị, khi mổ sẽ cột động mạch lá lách lại để giảm lưu lượng máu từ lách đến gan qua đường tĩnh mạch cửa.

Bên cạnh đó, do bệnh nhi đã phẫu thuật Kasai từ trước đó rất lâu, phần gan dính chặt vào cơ hoành, nên việc bóc tách mất quá nhiều thời gian. Điều này đã làm cho mạch treo (đường dẫn bạch huyết) bị tổn thương và hậu quả là sau mổ 6 ngày, bệnh nhi bị biến chứng tràn dưỡng chất. Tuy nhiên, biến chứng này đã được tiên liệu và xử trí kịp thời.

Về phía người hiến tặng, giáo sư Trần Đông A nhận định gan của người hiến tặng có cấu trúc bất thường khi có đến 2 động mạch gan.

“Chúng tôi đã cân nhắc rất lâu vì nếu phải nối 2 lần động mạch sẽ rất khó và vướng, nhưng rất may là hai động mạch này tuy cách xa nhưng lại thông với nhau nên việc nối động mạch chỉ phải thực hiện 1 lần,” giáo sư cho biết.

[Cô gái xứ Thanh được cứu sống sau ghép gan thập tử nhất sinh]

Để thực hiện ca ghép gan này, từ tháng 10/2016, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn chuẩn bị đầy đủ cho bệnh nhi về mặt dinh dưỡng, chủng ngừa, tâm lý và thực hiện các xét nghiệm tầm soát cần thiết. Ca ghép gan đã được thực hiện thành công vào ngày 28/3/2017 với sự chuẩn bị và phối hợp của êkíp phẫu thuật trong và ngoài bệnh viện, cùng với sự cố vấn của các giáo sư chuyên gia đầu ngành về ghép tạng trẻ em. Sau 10 ngày, người hiến tặng gan đã được xuất viện còn bệnh nhi đã có thể đi lại, ăn uống như bình thường sau 3 tuần phẫu thuật.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đang có 200 bệnh nhi cần được phẫu thuật ghép gan, tuy nhiên nguồn gan hiến tặng rất khan hiếm. Hiện nay, đa số nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho sống và là những người có chung huyết thống nhưng số trẻ được ghép gan không nhiều do nhóm máu không phù hợp, gan không tốt không đủ điều kiện cho.

"Nếu như Nhà nước sửa đổi luật, cho phép sử dụng nguồn tạng trẻ em dưới 18 tuổi chết não thì số lượng trẻ được ghép gan sẽ nhiều hơn," giáo sư Trần Đông A mong mỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục