Tòa án Hiến pháp Indonesia ngày 21/8 đã phán quyết giữ nguyên kết quả bầu cử tổng thống ở nước này và như vậy Tổng thống đắc cử Joko Widodo có thể xúc tiến các công việc tiếp quản quyền lực trước khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/10 tới.
Trước đó vào ngày 22/7, Ủy ban bầu cử Indonesia tuyên bố ông Widodo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/7 với 53% số phiếu bầu, hơn 8 triệu phiếu bầu so với ứng cử viên Prabowo Subianto.
Việc đa số cử tri bỏ phiếu cho nhà kinh doanh có nhiều sáng tạo này cho thấy người dân đất nước “vạn đảo” đã lựa chọn được hướng đi mới, với nhiều kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, để có thể hiện thực giấc mơ "hóa rồng" của kinh tế Indonesia, ông Widodo chắc chắn sẽ phải gánh trên vai những trọng trách khó khăn của đất nước với gần 250 triệu dân.
Khó khăn đầu tiên mà ông phải đối mặt là tiến độ cải cách và nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia đang có dấu hiệu chậm lại (dự kiến chỉ đạt 5,3% năm 2014). Tiếp đó là vấn đề kiểm soát và hạn chế nạn tham nhũng tràn lan nhằm tạo sự công bằng cho tất cả người dân; từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời vượt qua những thành tựu đối nội, đối ngoại mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono đạt được sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước.
Những thách thức lớn
Ông Widodo đang mang lại rất nhiều kỳ vọng cho người dân về những cải cách táo bạo mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Tuy vậy, Thời báo Tài chính (Vương quốc Anh) cho rằng ông Widodo sẽ phải đối mặt với năm thách thức lớn ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống từ tháng Mười tới.
Thách thức đầu tiên là làm thế nào để lựa chọn ra được một nội các mạnh trong bối cảnh ông Widodo có ít kinh nghiệm điều hành chính phủ quốc gia và không quan tâm nhiều đến việc thu hút các tri thức.
Ông Widodo cho biết sẽ không điều đình, thương lượng các ghế Nội các theo cách thông thường mà thay vào đó sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng dựa vào trình độ đào tạo, đặc tính và các kỹ năng phù hợp. Các vị trí chủ chốt sẽ là bộ trưởng tài chính, ngoại giao, nông nghiệp và thương mại.
Thách thức thứ hai là việc cắt giảm ngân sách dành cho trợ cấp nhiên liệu. Ông Raden Pardede - cố vấn kinh tế của Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono - từng cảnh bảo rằng chính phủ của ông Widodo sẽ phải chịu áp lực cắt giảm ngân sách trợ cấp nhiên liệc lớn (hơn 21 tỷ USD trong năm nay, chiếm 13% ngân sách) trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức khác đã hối thúc Indonesia xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu, qua đó sẽ giải phóng được nguồn ngân sách đầu tư cho hệ thống hạ tầng đang xuống cấp, cũng như dịch vụ y tế và giáo dục, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư trái phiếu - những người hiện lo ngại về tình hình thâm hụt ngân sách của Indonesia (dự kiến tương đương 2,4% GDP năm 2014 theo WB).
Thách thức lớn thứ ba là cải thiện môi trường đầu tư. Hệ thống pháp lý với đầy dẫy các vụ tham nhũng và trào lưu chủ nghĩa dân tộc kinh tế đã và đang làm giảm danh tiếng của Indonesia như là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á.
Ông Widodo, người được biết đến với chủ trương bảo hộ nền công nghiệp trong nước trong khi có cách tiếp cận thực dụng với đầu tư nước ngoài khi làm Thống đốc Jakarta, sẽ có cơ hội để thay đổi tình hình này.
Indonesia nếu thực hiện được điều này thì sẽ giúp thu hút được nguồn USD cần thiết để bù đắp mức thâm hụt tài khoản vãng lai hiện nay và kích thích tăng trưởng kinh tế, đang giảm tốc xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Tuy vậy, nhiệm vụ này không dễ dàng. Kiểm soát tốt mối quan hệ với chính đảng của ông là thách thức lớn thứ tư mà Tổng thống đắc cử Widodo sẽ phải đối mặt. Đảng Dân chủ-Đấu tranh Indonesia (PDI-P) chưa bao giờ hoàn toàn ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống. Trong chiến dịch tranh cử, chính những tình nguyện viên mới là những người hỗ trợ rất nhiều cho ông Widodo chứ không phải các quan chức PDI-P.
Thách thức lớn cuối cùng đó là kiểm soát mối quan hệ với Hạ viện. PDI-P và ba đảng khác trong liên minh chỉ chiếm được 37% số ghế trong Hạ viện đầy quyền lực của Indonesia . Điều này có thể khiến cho ông Widodo gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, nhất là khi đảng Gerindra của ông Subianto, người đã từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử, là đảng lớn thứ ba trong Hạ viện.
Tuy vậy, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Yudhoyono cho thấy rằng việc có được đa số ghế trong Hạ viện không phải là sự đảm bảo cho một chính phủ hoạt động suôn sẻ và thành công. Chiến lược hành động Trong thời gian tranh cử, ông Widodo đã đưa ra nhiều quan điểm về chính sách đối nội, đối ngoại, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế.
Ông cam kết thúc đẩy tăng trưởng thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện hệ thống ngân sách ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, trong đó áp dụng quản lý điện tử để nâng cao tính minh bạch của hoạt động ngân sách.
Bên cạnh đó, ông Widodo còn chú trọng tăng cường sự độc lập cho nền kinh tế bằng cách phát triển các lĩnh vực chiến lược trong nước như mở rộng mạng lưới tưới tiêu, trồng lúa bên ngoài đảo Java, thành lập ngân hàng cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chấm dứt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chấm dứt nhập khẩu năng lượng bằng cách thúc đẩy thăm dò và khai thác nguồn năng lượng trong nước, xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt, ưu tiên sử dụng than đá và khí đốt trong sản xuất điện, đạt mục tiêu nâng tỷ lệ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ tài chính với mức chi phí hợp lý lên 50%.
Chương trình hành động mà ông đề ra cũng gồm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh, xây dựng 2.000km đường giao thông, xây dựng 10 sân bay và 10 cảng biển mới cùng 10 khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân, xây dựng 5.000 chợ truyền thống, cung cấp dịch vụ "một cửa" cho việc xử lý các dự án đầu tư và cấp phép kinh doanh…
Ông sẽ khuyến khích phát triển ở khu vực nông thôn, cải thiện các dịch vụ công, đẩy mạnh thực hiện cải cách ruộng đất, phát triển nhà ở cho người dân ở các thôn làng. Ngoài ra, cương lĩnh tranh cử của ông Widodo cũng đề cập đến việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các đặc khu kinh tế; tăng cường năng lực để đảm bảo sự an toàn của công dân Indonesia ở nước ngoài, ưu tiên bảo vệ lao động nhập cư Indonesia; thúc đẩy hợp tác đa phương trong các tổ chức quốc tế; củng cố vai trò lãnh đạo của Indonesia và hợp tác trong ASEAN…
Ông cũng cam kết đem "một sự đổi mới và mang tính đột phá" trong bộ máy hành chính nhà nước, tránh tình trạng lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích của toàn dân và đất nước. Trong một loạt trọng tâm ưu tiên khác mà ông Widodo đưa ra có kế hoạch cải tổ Nội các khá thuyết phục.
Ông Widodo sẽ không chỉ chú trọng đến việc tinh giản nhân sự mà còn đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng công chức và phòng ngừa tham nhũng thông qua việc tổ chức lại bộ máy hành chính, thực hiện chế độ luân phiên cán bộ, cho nghỉ việc những người không vượt qua những kỳ nâng cấp trình độ và kỹ năng theo yêu cầu quy định.
Việc giải quyết chế độ cho những công chức phải nghỉ việc này có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ rupiah, song ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được 3.000 tỷ rupiah (khoảng 257 triệu USD).
Ông Widodo cũng đề cao việc xây dựng một chính phủ mở, trong đó chủ yếu là các nhà chuyên môn nắm giữ các vị trí chủ chốt với tỷ lệ tới 70% và 30% còn lại được lựa chọn từ danh sách ứng viên do các chính đảng trong liên minh ủng hộ ông giới thiệu. Tuy nhiên, sự ủng hộ này không phải là điều kiện tiên quyết để các đảng trong liên minh có đại diện trong chính phủ mới.
Giới phân tích nhận định, dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Widodo, những chính sách cơ bản của chính phủ mới tuy không có nhiều thay đổi so với chính phủ tiền nhiệm, nhưng chắc chắn sẽ có sự thay đổi về thứ tự ưu tiên cũng như cách thức giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự.
Triển vọng sáng lạn
Bất chấp những tác động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, nền kinh tế Indonesia vẫn đạt được những thành tựu lạc quan với mức tăng trưởng hơn 6%/năm trong 3 năm qua. Ngày 6/5/2014, WB cho biết Indonesia đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Nga, Brazil, Pháp và Vương quốc Anh.
Dù vậy, nếu tính theo Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Indonesia chỉ đứng thứ 16 thế giới với 1.223 tỷ USD. Với lợi thế là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Indonesia có thể vươn lên vị trí thứ năm thế giới tính theo PPP vào năm 2020.
Tuy vậy, để đạt mục tiêu này, Chính phủ Indonesia cần tiến hành cải cách tài chính, ngăn chặn nạn quan liêu, xóa bỏ chênh lệch thu nhập và mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài. Một số ý kiến khác cho rằng Indonesia nên tập trung vào chế tạo và nông nghiệp, vốn là hai lĩnh vực có thế mạnh và cạnh tranh cao để thu hút lao động nhiều hơn, tăng thu nhập bình quân đầu người và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa mới đây tỏ ý lạc quan về triển vọng nước này sẽ đạt mục tiêu thu hút 38 tỷ USD vốn đầu tư năm 2014, trong bối cảnh chi cho tiêu dùng đang tăng. Ông Hattan tin tưởng rằng những số liệu thương mại và đầu tư tích cực có thể giúp Indonesia tạo thêm nhiều việc làm khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Còn theo Bộ Thương mại Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của đất nước "vạn đảo" sẽ tăng 4,1% (lên 190 tỷ USD) trong năm 2014, nhờ quốc gia này là nước xuất khẩu quặng niken, than đá và thiếc tinh chế lớn và nhà cung cấp dầu cọ hàng đầu thế giới.
Trước đó, cuối tháng 3/2013 đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế Indonesia, trong đó tổ chức nghiên cứu này dự báo nước này có thể trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025 nếu tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa./.