Ngày 22/6, tại cuộc họp đầu tiên của nội các mới, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố dự luật chống khủng bố mới với nhiều biện pháp cứng rắn hơn.
Dự luật mới đề xuất dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp đặt trên toàn nước Pháp sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Tình trạng khẩn cấp hiện tại sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng 7 tới và dự kiến sẽ được gia hạn tới ngày 1/11. Tính đến nay, Chính phủ Pháp đã 5 lần gia hạn tình trạng này.
[Tấn công bên ngoài nhà thờ ở Paris: Thủ phạm tự nhận là chiến binh IS]
Các đề xuất của Tổng thống Macron cũng sẽ trao thêm quyền hạn cho các chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an ninh tại các sự kiện hoặc địa điểm được cho là có nguy cơ cao bị tấn công khủng bố mà không cần lệnh của tòa án.
Cụ thể, nhà chức trách các địa phương có thể toàn quyền quyết định bố trí rào chắn an ninh hoặc khám xét tư trang của các đối tượng tình nghi. Dự luật cũng cho phép các cơ quan chức năng đóng cửa trong thời gian 6 tháng các cơ sở tôn giáo được cho là ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.
Các biện pháp chống khủng bố nêu trên đã nhận được sự ủng hộ của Tòa án Tối cao Pháp, song vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Edouard Philippe cũng như các tổ chức bảo vệ quyền dân sự.
Thủ tướng Philippe cho rằng dự luật này không đảm bảo có thể vừa tăng cường an ninh vừa tôn trọng luật pháp, hiến pháp và quyền tự do cá nhân. Trong khi đó, các tổ chức dân sự bày tỏ quan ngại về các biện pháp chống khủng bố mà họ cho là "hà khắc."
Pháp vẫn duy trì báo động an ninh ở mức độ khẩn cấp sau khi liên tiếp trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử thánh chiến kể từ năm 2015.
Mới đây, nước Pháp tiếp tục chứng kiến vụ đâm xe nhằm vào cảnh sát trên đại lộ Champs Elysees ở thủ đô Paris của Pháp gây hoang mang dư luận.
Theo cảnh sát, thủ phạm Adam Dzaziri đã thề trung thành với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng./.