Ngày 26/12, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết quân sự mới của LB Nga, chỉ ra hàng loạt mối đe dọa mới đối với nước Nga và các biện pháp đáp trả.
Học thuyết quân sự mới được Hội đồng An ninh LB Nga sửa đổi từ tháng 7/2014 trên cơ sở học thuyết hiện hành. Tuy nhiên, những thay đổi này chỉ mới được thông qua tại phiên làm việc giữa Tổng thống Putin với các thành viên hội đồng cách đây một tuần.
Theo Hội đồng An ninh LB Nga, Học thuyết quân sự 2014 vẫn mang tính chất phòng thủ, trong đó nhấn mạnh Nga chỉ buộc phải sử dụng sức mạnh quân sự khi không còn giải pháp ngoại giao.
Học thuyết quân sự mới tiếp tục coi sự mở rộng của NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, việc bố trí vũ khí chiến lược trên vũ trụ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố là các mối đe dọa đối với nước Nga.
Đáng chú ý là học thuyết lần này chỉ ra các mối đe dọa quân sự mới đối với nước Nga, liên quan tới tình hình Ukraine, các sự kiện ở Syria, Iraq và Afghanistan. Học thuyết mới dành tới 14 điểm (trong tổng số 58 điểm), so với 11 điểm trong học thuyết cũ, để chỉ ra những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài. Các mối đe dọa mới được Nga bổ sung gồm học thuyết tấn công toàn cầu của Mỹ, các yêu sách về lãnh thổ, sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và các nước đồng minh của Nga, các cuộc xung đột vũ trang gần biên giới Nga.
Học thuyết quân sự 2014 cũng khẳng định việc tăng cường lực lượng quân sự nước ngoài ở các quốc gia và vùng biển sát Nga với mục đích gây sức ép về chính trị-quân sự là mối đe dọa đối với Nga. Nga cũng coi việc thiết lập ở các quốc gia giáp Nga các chế độ có chính sách đe dọa lợi ích của Nga, trong đó có việc lật đổ chính quyền hợp pháp, là mối đe dọa mới.
Ngoài ra, Học thuyết còn chỉ ra các mối đe dọa khác gồm việc sử dụng công nghệ thông tin-liên lạc cho mục đích quân sự, các hoạt động phá hoại của lực lượng đặc biệt nước ngoài.
Về mối đe dọa từ bên trong, Học thuyết quân sự mới của Nga chỉ rõ nguy cơ từ cuộc chiến thông tin nhằm vào người dân, đặc biệt là giới trẻ, với mục đích phá hoại truyền thống yêu nước, những giá trị tinh thần và lịch sử của nước Nga trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc.
Về các biện pháp đáp trả, Học thuyết quân sự 2014 của Nga lần đầu tiên đưa ra khái niệm “kiềm chế phi hạt nhân”, tức là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng thông thường. Ngoài ra, Học thuyết mới cũng cụ thể hóa khái niệm “sẵn sàng động viên”, điều chỉnh các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp quốc phòng...
Đối với Liên minh châu Âu (EU) và NATO, nếu như Học thuyết quân sự 2010 đề cập tới việc phát triển quan hệ, thì Học thuyết mới lại nhấn mạnh sự cần thiết duy trì đối thoại bình đẳng.
Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý khác là Học thuyết quân sự 2014 của Nga đề xuất tăng cường hợp tác với các nước trong khối BRICS cũng như các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Trong khi đó, nhằm kiềm chế và ngăn chặn xung đột quân sự, Học thuyết mới chỉ ra sự cần thiết phải hợp tác xây dựng một mô hình an ninh mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Văn bản của Học thuyết quân sự mới đã được Nga đăng tải trên trang web chính thức của điện Kremlin./.