Tổng thống Donald Trump và sự khởi đầu mới với Trung Đông

Việc ông chủ Nhà Trắng lựa chọn Trung Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức đã cho thấy rõ sự coi trọng của chính quyền mới ở Washington đối với khu vực này.
Tổng thống Donald Trump và sự khởi đầu mới với Trung Đông ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Israel Reuven Rivlin (phải) tại cuộc gặp ở Jerusalem ngày 22/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hàn gắn rạn nứt với các đồng minh truyền thống ở Trung Đông, giảm căng thẳng với thế giới Hồi giáo, khôi phục lại ảnh hưởng vốn đã sa sút và tìm kiếm một cách tiếp cận mới bảo đảm được vị thế và lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông là những mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump đặt ra trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ.

Việc ông chủ Nhà Trắng lựa chọn Trung Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức đã cho thấy rõ sự coi trọng của chính quyền mới ở Washington đối với khu vực này.

Chuyến công du của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các nước Arab vùng Vịnh xấu đi dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, thậm chí Washington và nhiều đồng minh chủ chốt trong khu vực rơi vào tình trạng khủng hoảng lòng tin.

Giữa lúc vai trò của Mỹ tỏ ra mờ nhạt tại Trung Đông, thì khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như các cuộc khủng hoảng tại Syria và Yemen, tiến trình hòa bình bế tắc giữa Israel và Palestine, mối đe dọa từ tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng…

Tất cả đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông cả về an ninh, chính trị lẫn kinh tế. Trong khi đó, Nga ngày càng can dự tích cực và có hiệu quả trong nhiều vấn đề của khu vực khiến ảnh hưởng của Moskva tại đây ngày càng thể hiện rõ.

Qua chuyến thăm lần này, có vẻ Tổng thống Trump đã phần nào “cài đặt lại” quan hệ với các đồng minh thân cận ở Trung Đông như Saudi Arabia và Israel.

Cùng với lễ tiếp đón long trọng ở Saudi Arabia và nhiều thỏa thuận có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD, gồm cả hợp đồng bán vũ khí hơn 110 tỷ USD, ông Trump và Quốc vương nước chủ nhà Salman Bin Abdul Aziz đã cam kết duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu đời, tăng cường đối tác chiến lược và đồng minh quân sự giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Tại Israel là tuyên bố "phục hồi và cải thiện" mối quan hệ vốn khá lạnh nhạt trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama. Rõ ràng, những ràng buộc về lợi ích an ninh và kinh tế đang trở thành sợi dây kết nối chặt chẽ khiến Mỹ không thể bỏ qua các đồng minh truyền thống ở Trung Đông.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về hòa bình Trung Đông]

Chính quyền Tổng thống Trump đã có những động thái có thể coi là “xoa dịu” hai đồng minh chủ chốt bằng cách tỏ thái độ cứng rắn với Iran, quốc gia được xem là “thù địch” với cả Saudi Arabia lẫn Israel.

Tuyên bố “lật ngược” thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015, các biện pháp trừng phạt mới, cam kết ngăn Iran trở thành cường quốc hạt nhân… cho thấy Tổng thống Trump đang có bước thay đổi chiến thuật ngoại giao trong vấn đề Iran so với người tiền nhiệm Obama.

Những động thái của Tổng thống Trump đang phát đi thông điệp với các nước đồng minh Trung Đông vốn có quan hệ đối đầu với Iran rằng Mỹ sẽ làm mọi cách để "kiềm chế Tehran.”

Thái độ coi trọng khu vực Trung Đông, tôn trọng thế giới Hồi giáo và cách tiếp cận mới của Tổng thống Trump trong vấn đề Iran đã làm “hài lòng” nhiều quốc gia Arab Hồi giáo, mà kết quả là thỏa thuận giữa Mỹ với 6 nước vùng Vịnh về thiết lập trung tâm chống tài trợ khủng bố và đẩy mạnh "hợp tác thực chất" về quân sự, kinh tế và an ninh.

Ông Trump đã có động thái điều chỉnh giọng điệu đối với thế giới Hồi giáo sau một thời gian ông đưa ra những phát ngôn hay dòng tweet ồn ào thể hiện thái độ kỳ thị chống đạo Hồi.

Ông đã trấn an các nhà lãnh đạo Hồi giáo có mặt Hội nghị thượng đỉnh Arab-Mỹ ở thủ đô Riyadh rằng ông không chủ trương chống Hồi giáo và không xem Hồi giáo là kẻ thù. Những phát ngôn với lời lẽ tôn trọng thế giới đạo Hồi của ông Trump đã giúp mang đến “những người bạn và đối tác chiến lược.”

Việc Mỹ tập hợp được các nước Arab trong một liên minh chống khủng bố, cực đoan và IS ở Trung Đông rõ ràng đáp ứng mục tiêu lâu dài của Washington ở khu vực này. Hiện Mỹ đang dẫn đầu liên minh quốc tế chống IS tại Iraq và Syria.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Mỹ chống IS tỏ ra không mấy hiệu quả, đang khiến vị thế của Washington giảm sút, nhất là trong bối cảnh sự hiện diện quân sự của Nga tại đây đã góp phần đáng kể ngăn chặn IS và tạo bước chuyển cho cuộc xung đột ở Syria.

Bởi vậy, thái độ quyết liệt của Tổng thống Trump đối với cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là IS ở Trung Đông, đang thể hiện Mỹ muốn giành lại thế chủ động tại khu vực này.

Một trong những vấn đề gai góc nhất ở Trung Đông là tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine cũng được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ gặp cả Thủ tướng Israel lẫn Tổng thống Palestine trong chuyến thăm.

Rõ ràng, thúc đẩy nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine, vốn bị đình trệ từ tháng 4/2014, vẫn là ưu tiên của Tổng thống Trump khi ông hối thúc hai bên xây dựng lòng tin và kiềm chế bạo lực để có thể hướng tới một thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại có những tuyên bố mang tính “nước đôi khi không công khai ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” như những người tiền nhiệm. Cách tiếp cận mập mờ của ông Trump đang khiến cơ hội để ông chủ Nhà Trắng tạo bước đột phá cho vấn đề này trong nhiệm kỳ của mình trở nên xa vời.

Đối với cuộc xung đột ở Syria, việc Tổng thống Trump hạ lệnh bắn gần 60 quả tên lửa vào một căn cứ quân sự Syria hồi đầu tháng trước cho thấy Washington sẵn sàng can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ điều thêm khoảng 1.000 binh sỹ đến khu vực phía Bắc Syria trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng cường đưa bộ binh vào Trung Đông luôn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro khi Mỹ có thể một lần nữa “ sa lầy” trong một cuộc chiến hao người tốn của.

Vì thế, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria đang đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ.

Có thể nói Tổng thống Mỹ đã đạt được những kết quả khá khả quan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới điểm “nóng” Trung Đông.

Tuy nhiên, những toan tính chiến lược riêng của mỗi bên cùng những khác biệt không dễ vượt qua khiến sự hoài nghi vẫn len lỏi trong quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực.

Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách định hình một chính sách đối ngoại rõ ràng hơn đối với khu vực đầy bất ổn và luôn có những diễn biến bất thường này.

Một cách tiếp cận khôn khéo, thực dụng và toàn diện có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nếu Tổng thống Trump muốn đạt mục tiêu “Nước Mỹ trên hết,” trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích của Washington ở Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục