Thị trường thép Việt Nam những năm qua còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại vấp phải "rào cản" khi nhiều sản phẩm tôn, thép từ Việt Nam bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này khiến cho doanh nghiệp mất dần thị trường xuất khẩu và giảm năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, tháng 7/2014, Bộ Tài chính Indonesia đã áp thuế tự vệ thương mại đối với mặt hàng tôn lạnh nhập khẩu khổ rộng 600mm trở lên từ các nước; trong đó có Việt Nam, thực hiện trong ba năm và có thể tiếp tục được gia hạn. Theo ông Sưa, phía Indonesia đã vi phạm các quy định của WTO trong việc điều tra tự vệ tôn lạnh của nước này, gây ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, là vi phạm quy trình thủ tục liên quan đến quyền được thông tin và tham vấn của nguyên đơn trong quá trình điều tra.
Theo Tập đoàn Hoa Sen, mức thuế áp dụng tự vệ thương mại này là rất cao. Năm 2014 là 430 USD/tấn (tương đương gần 50% giá xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen), năm 2015 là 371 USD/tấn (khoảng 46% giá xuất khẩu) và năm 2016 là 312 USD/tấn (khoảng 41% giá xuất khẩu). Mức giá này đang làm triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh sản phẩm tôn lạnh của Việt Nam nói chung và Tập đoàn Hoa Sen tại thị trường Indonesia.
Báo cáo sản lượng và doanh thu xuất khẩu sản phẩm tôn lạnh tại Indonesia của Tập đoàn Hoa Sen cũng cho hay, năm 2013, Hoa Sen xuất khẩu hơn 125.000 tấn, đạt doanh thu hơn 107 triệu USD và sáu tháng năm 2014 xuất khẩu hơn 70 triệu tấn, đạt doanh thu hơn 57 triệu USD. Nhưng từ giữa năm 2014, khi bị áp thuế tự vệ thương mại, sản lượng và doanh thu sản phẩm tôn lạnh khổ rộng trên 60mm của Hoa Sen tại Indonesia đã hoàn toàn mất.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen Trần Ngọc Chu cho biết, việc áp thuế khiến Hoa Sen mỗi năm sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 141.000 tấn sản lượng, chiếm gần 12% công suất của Tập đoàn và mất đi khoảng 114 triệu USD doanh thu. Việc này cũng khiến doanh nghiệp phải giảm công suất hoặc dừng sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của hàng nghìn lao động.
Còn theo đại diện lãnh đạo Công ty Tôn Phương Nam, biện pháp phòng vệ của Indonesia đã khiến hàng chục nghìn tấn hàng của công ty không thể vào được thị trường Indonesia, điều này cũng làm cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút. Trong khi đó, thị trường trong nước tiếp tục gặp khó khăn trong tiêu thụ, nguồn cung sản phẩm đã tăng nhiều lần so với trước đây.
Nhận định của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho thấy, mức thuế tự vệ thương mại của Indonesia cho năm thứ ba vào khoảng gần 41% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài thêm biện pháp tự vệ thương mại này để bảo hộ ngành công nghiệp trong nước.
Để ứng phó với tình hình trên, ông Trần Ngọc Chu kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm cân nhắc về việc khởi kiện Indonesia vi phạm các quy định của WTO nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôn mạ Việt Nam tại thị trường này. Bởi lẽ, căn cứ pháp lý, nếu khởi kiện vụ việc ra WTO, khả năng thành công của Việt Nam sẽ rất cao.
Ngoài đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cũng đã mời chuyên gia tư vấn, các luật sư chuyên về phòng vệ thương mại để sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ đe dọa thị trường xuất khẩu cũng như bảo vệ quyền lợi của Tập đoàn trong tranh chấp thương mại quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, thách thức từ phòng vệ thương mại ở các nước là không tránh khỏi. Do đó, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp cũng cần phải tích cực chuẩn bị “nội lực," hiểu biết về phòng vệ thương mại để có thể đối mặt với các nguy cơ tranh chấp thương mại đến từ các thị trường.
Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ đưa vụ việc điều tra tự vệ tôn lạnh của Chính phủ Indonesia ra giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO để đảm bảo lợi ích và giữ được thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sau kiến nghị của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội và các doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đưa vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ của Indonesia với sản phẩm tôn lạnh Việt Nam ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO; trong đó, giao Bộ Công Thương làm cơ quan đầu mối cho Chính phủ Việt Nam giải quyết vụ kiện này.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, vụ kiện ra WTO sẽ giúp ngành tôn mạ Việt Nam ngăn chặn nguy cơ các vụ điều tra sắp tới từ chính thị trường Indonesia cũng như các thị trường xuất khẩu khác. Đây cũng là thông điệp của Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ tích cực quyền lợi của các nhà xuất khẩu trước các vi phạm trong hoạt động tự vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Về phía cơ quan chức năng, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết, trước tình hình trên và để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp tôn thép trong nước, Bộ Công Thương cũng đang tích cực trong việc thu thập thêm thông tin từ các doanh nghiệp và bằng chứng để giải quyết vấn đề tự vệ thương mại Indonesia với sản phẩm tôn lạnh Việt Nam theo đúng quy định thương mại quốc tế. /.