Ngày 20/9, Tòa án Tối cao Brazil đã thông qua cáo buộc chống lại Tổng thống Michel Temer, theo đó chính khách này đã thành lập một tổ chức nhằm hưởng lợi bất hợp pháp.
Tòa đã yêu cầu Quốc hội xét xử người đứng đầu nhà nước trong vụ bê bối tham nhũng tiền tỷ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, quyết định này đã được thông qua với 6 phiếu thuận trên tổng số 11 thẩm phán của Tòa án Tối cao Brazil tham gia bỏ phiếu. Tới đây, Hạ viện Brazil sẽ phải quyết định có đưa Tổng thống Temer ra xét xử trong một tòa án hình sự hay không.
Trước khi các thẩm phán bỏ phiếu, các luật sư của ông Temer đã yêu cầu Tòa án Tối cao rà soát lại cáo buộc và không yêu cầu Quốc hội xem xét việc đưa thân chủ của mình ra xét xử tại một tòa án hình sự. Tuy nhiên, yêu cầu trên đã bị bác bỏ.
Tuần trước, Viện Kiểm sát Brazil đã cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Temer tham gia vào một đường dây nhận hối lộ với số tiền lên tới 175 triệu USD, đổi lại tạo thuận lợi cho công ty Caixa Económica ký hợp đồng với Petrobras.
Đây là lần thứ hai Tòa án Tối cao gửi cáo buộc ông Temer lên Quốc hội để cơ quan này xem xét có đưa người đứng đầu nhà nước ra xét xử hay không. Trong lần thứ nhất, Hạ viện đã bỏ phiếu bác bỏ quyết định của Tòa án Tối cao với số phiếu ủng hộ áp đảo.
Theo kết quả điều tra của Cảnh sát Liên bang Brazil, Tổng thống Temer và các đồng minh của ông đã duy trì “một tổ chức nhằm hưởng lợi bất hợp pháp.”
[Thêm cáo buộc mới đối với Tổng thống Brazil Michel Temer]
Cảnh sát kết luận nhóm này, trong đó có ông Temer, đã phạm một số tội danh bao gồm tham nhũng, nhận hối lộ, rửa tiền, gian lận trong quá trình đấu thầu các dự án công và tẩu tán vốn.
Về phần mình, Tổng thống Temer đã bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định ông “không tham gia và chưa bao giờ tham gia bất kỳ tổ chức tội phạm nào” hoặc hành động để thu lợi bất chính dưới bất cứ hình thức nào.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Brazil ra thông cáo khẳng định quân đội sẽ tuân thủ hoàn toàn mọi quy định của Hiến pháp và sẽ đảm bảo nền dân chủ.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Brazil được đưa ra sau khi Tướng Antonio Hamilton Mourao, thành viên Bộ Tổng tham mưu nước này, tuyên bố không loại trừ khả năng quân đội can thiệp để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này, do hàng trăm chính trị gia và doanh nhân liên quan tới các cáo buộc tham nhũng trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Bộ trưởng Quốc phòng Raúl Jungmann cũng yêu cầu Tổng Tham mưu trưởng Eduardo Villas Boas giải thích về vụ việc sau khi ông này tuyên bố Tướng Mourao sẽ không bị trừng phạt.
Theo ông Villas Boas, tuyên bố của Tướng Mourao, người phụ trách kinh tế và tài chính của quân đội Brazil, đã bị “diễn giải sai”, đồng thời cũng không vi phạm quy định của lực lượng quân đội.
Tổng Tham mưu trưởng Villas Boas nhấn mạnh tuyên bố của Tướng Mourao không đại diện cho lực lượng quân đội Brazil và kể từ khi xảy ra khủng hoảng chính trị, quân đội nước này luôn tuân thủ Hiến pháp, không gây bất ổn tình hình đất nước.
Các vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bắt đầu bị phanh phui từ tháng 3/2014. Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Brazil và đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố.
Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập các băng nhóm tội phạm, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Petrobras đã mất khoảng 2 tỷ USD trong vụ bê bối tham nhũng này. Ngoài Tổng thống đương nhiệm Temer, hai cựu Tổng thống là Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva cũng bị cáo buộc một số tội danh trong vụ bê bối tham nhũng này./.