Tổ chức tín dụng tái cơ cấu được vay vốn tới 100% mệnh giá trái phiếu

Thông tư 18 quy định, đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu thì có thể được vay tái cấp vốn tới 100% mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Tổ chức tín dụng tái cơ cấu được vay vốn tới 100% mệnh giá trái phiếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PVcombank)

Ngân hàng Nhà nước quy định khoản vay tái cấp vốn với các tổ chức tín dụng sẽ không vượt quá 70% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt VAMC, tuy nhiên, đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu thì có thể được vay tái cấp vốn tới 100% mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Thông tư số 18/2015 quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC), thay thế cho thông tư số 20 ngày 9/9/2013 do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Theo đó, mức tái cấp vốn cụ thể cho tổ chức tín dụng sẽ do Thống đốc quy định nhưng không vượt quá 70% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt. Riêng với trường hợp tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì mức tái cấp vốn không quá 100% mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Về lãi suất tái cấp vốn vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể lãi suất tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn ghi trên hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.

Đối với quy định về thời hạn tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn: Thời hạn tái cấp vốn dưới 01 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định gia hạn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng, tuân thủ các quy định tại Thông tư này. Thời gian gia hạn mỗi lần không vượt quá thời hạn tái cấp vốn lần đầu của khoản tái câp vốn đó và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt.

Đối với việc trả nợ vay tái cấp vốn, Thông tư quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc đầu quý tiếp theo, trên cơ sở hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC sử dụng số thu hồi nợ bằng tiền mà tổ chức tín dụng được hưởng trong quý từ từng khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở tái cấp vốn để trả nợ Ngân hàng Nhà nước và có văn bản thông báo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng về số tiền trả nợ theo từng trái phiếu đặc biệt.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở vay tái cấp vốn đến hạn thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, tổ chức tín dụng phải trả nợ trước hạn cho Ngân hàng Nhà nước. Số tiền gốc vay tái cấp vốn phải trả đối với từng trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán bằng mệnh giá trái phiếu đặc biệt sau khi trừ dự phòng rủi ro và thu hồi nợ xấu bằng tiền được ghi tại Bảng kê trái phiếu đặc biệt kèm theo Quyết định tái cấp vốn trừ đi số tiền VAMC đã trả nợ theo quy định trên.

Cũng trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của VAMC về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở vay tái cấp vốn theo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, tổ chức tín dụng phải trả hết nợ gốc và lãi khoản vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước.

Khi số tiền phải trả nợ trước hạn cho Ngân hàng Nhà nước bằng số tiền Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, tổ chức tín dụng thực hiện trả hết nợ gốc và lãi khoản vay tái cấp vốn.

Đáng chú ý, so với quy định hiện hành, Thông tư 18 đã có những sửa đổi về điều kiện tái cấp vốn. Theo quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét và quyết định tái cấp vốn khi tổ chức tín dụng không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tuy nhiên Thông tư 18 đã bỏ quy định này.

Thông tư 18 có hiệu lực thi hành từ 10/12/2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục