Tín dụng 4 tháng đầu năm: Đã bớt cảnh ngân hàng "đỏ mắt" đi tìm khách

Bốn tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm.
Tín dụng 4 tháng đầu năm: Đã bớt cảnh ngân hàng "đỏ mắt" đi tìm khách ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bốn tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng vài năm trở lại đây. Điều này đã tạo niềm tin cho các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng thương mại và các chuyên gia về việc ngành ngân hàng có thể đạt được mục tiêu đề ra cho năm nay là tăng trưởng tín dụng từ 13-15%.

Dòng tín dụng được khơi thông?

Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 8/5 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 3,69%. Bằng thời gian này năm ngoái, tỷ lệ tương ứng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%.

Như vậy, có thể thấy đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm.

Điều này được thể hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dòng tín dụng đã chảy đều hơn và tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Mới 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội đã đi được nửa chặng đường đề ra cho cả năm 2015 của toàn ngành. Cụ thể, trong tháng Tư huy động vốn ước đạt 1.257 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn huy động từ 12 tháng trở lên chiếm 30,5%), tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 5,5% so với tháng 12 năm trước.

Tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá từ cuối năm 2014. Tổng dư nợ trên địa bàn thành phố tháng Tư ước đạt 1.077 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,6% so với tháng 12. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có sự cải thiện. Và như vậy, với 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội đã đi được nửa chặng đường đề ra cho cả năm 2015 của toàn ngành là 13 - 15%.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, những tháng đầu năm, tình hình tiền tệ tại thành phố tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận vốn vay.

Đặc biệt, tín dụng đã tăng trưởng hơn 4% - mức tăng trưởng cao nhất những năm gần đây, trong đó nguồn vốn cho vay trung và dài hạn tăng hơn 7,6%. Qua chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp của thành phố, các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay gần 31.000 tỷ đồng để tập trung sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Cao Sỹ Kiêm nhận định, nếu như thời điểm này vào năm ngoái, các ngân hàng phải "đỏ mắt" đi tìm khách hàng vay thì năm nay, công việc này đã bớt áp lực hơn.

Ông Kiêm cho biết, hiện những lĩnh vực cho vay của DongA Bank tăng trưởng cao hơn năm trước chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tiểu thương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Theo ông Kiêm, để tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng tốt, ngân hàng đã đa dạng hóa các kênh tiếp cận khách hàng mới cũng như đưa ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Tín dụng 4 tháng đầu năm: Đã bớt cảnh ngân hàng "đỏ mắt" đi tìm khách ảnh 2Dòng tín dụng đã chảy đều hơn vào những lĩnh vực ưu tiên. (Nguồn: BaoVietBank)

"Chảy" từ trái phiếu sang sản xuất

Một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, ngoài việc tăng trưởng tốt ngay những tháng đầu năm, dòng tín dụng cũng có xu hướng phân bổ tốt hơn vào những ngành và khu vực ưu tiên.

Còn theo phân tích của tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương (CIEM), tăng trưởng tín dụng mấy tháng qua không phải là quá mạnh mà nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, so với 2 năm trước, tăng trưởng tín dụng có mức tăng đáng kể. Điều này phản ánh rất rõ qua sự phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.

Một nguyên nhân nữa được vị chuyên gia này đưa ra là trái phiếu Chính phủ mà Kho bạc Nhà nước phát hành không thành công do lãi suất thấp vì các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ tăng dù là không nhiều và trong tầm kiểm soát 4-5%.

"Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài, trong khi các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều tới trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn cấu trúc tài sản của mình. Chính vì vậy, nguồn vốn trước kia ngân hàng dành cho kênh trái phiếu Chính phủ giờ lại chảy vào sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng," ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, thông thường nhu cầu tín dụng các quý sau, nhất là quý 3, 4 sẽ tăng cao hơn. Dù với tốc độ tăng này, Ngân hàng Nhà nước vẫn hoàn toàn kiểm soát cung tiền nói chung, cung tín dụng nói riêng trong mức 13-15%.

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Cao Sỹ Kiêm - người đứng đầu DongA Bank - cũng cho rằng, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tập trung vào tái cơ cấu và sắp sếp lại bộ máy làm việc đồng thời tinh giản nhân sự với những trường hợp làm việc không hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã tìm được những đối tác phù hợp để cho vay và kiểm soát được dòng tiền tốt hơn nên tốc độc giải ngân đã nhanh hơn.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn lo lắng, dù tổng cầu của nền kinh tế chuyển biến tích cực làm tăng nhu cầu giải ngân vốn tín dụng, nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động tín dụng đối với thị trường bất động sản, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tín dụng tập trung nhiều cho lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tạo áp lực cho thị trường bất động sản quay trở lại chu kỳ bong bóng.

Do vậy, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng tín dụng cũng cần có sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước cũng như của các cơ quan chính phủ, để làm sao tín dụng phải tăng trưởng lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu cũng như quy mô để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Bên cạnh đó, quá trình phục hồi này mới bắt đầu, chưa thực sự ổn định vì còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn. Tuy hàng chục nghìn doanh nghiệp mới thành lập, nhưng không ai chắc trong số doanh nghiệp mới này có tên các doanh nghiệp cũ thông báo tạm dừng hoạt động nên chắc chắn còn khó khăn cho ngân hàng trong việc theo dõi khách hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục