Tìm cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng xây dựng

Tranh chấp hợp đồng trong hoạt động xây dựng xuất phát từ các khiếm khuyết của chủ đầu tư, nhà thầu cũng như quy định của pháp luật.
Tìm cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng xây dựng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Tại hội thảo “Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng sửa đổi - Tranh chấp trong các hoạt động xây dựng” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 14/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng ban Ban quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tranh chấp hợp đồng trong hoạt động xây dựng xuất phát từ các khiếm khuyết của chủ đầu tư, nhà thầu cũng như quy định của pháp luật.

Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, trong quá trình thực hiện trách nhiệm từ khi lập hợp đồng, chủ đầu tư thường thực hiện theo tập quán, suy nghĩ đơn giản; không quan tâm các yếu tố pháp lý khi chấm dứt hợp đồng (thưởng, phạt); không quan tâm đến khâu tư vấn hợp đồng, mua bảo hiểm công trình; trong hợp đồng không xác định thời điểm thanh toán (nhất là vốn ODA), độ trượt giá ngoại tệ, công tác phát sinh, giải phóng mặt bằng chậm.

Trong khi đó, nhà thầu lại hay đùn đẩy trách nhiệm khi phát sinh sự cố phức tạp, thay đổi và khó kiểm soát được thầu phụ. Mặt khác, pháp luật Việt Nam hiện đang thiếu quy định về năng lực chủ đầu tư, thiếu quy định chi tiết về tổng thầu, thầu phụ, bán thầu, chưa quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Việt Nam vẫn còn thiếu các luật sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh chấp hoạt động xây dựng cũng như thiếu các chuyên gia pháp lý về hợp đồng.

Phó giáo sư Trần Trịnh Tường, Trọng tài viên của VIAC, cũng cho biết hiện có đến 20 yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, được trải suốt từ khâu quyết định đầu tư đến khâu khảo sát, thiết kế, thi công cho đến bàn giao, đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Với đặc điểm thiết kế xây dựng và công trình xây dựng luôn có sự điều chỉnh hoặc sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế nên chi phí của sản phẩm xây dựng phải được chính xác hóa qua mỗi bước thiết kế.

Trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng áp dụng tràn lan vô điều kiện hình thức hợp đồng trọn gói gây hậu quả tiêu cực cho cả chủ đầu tư và nhà thầu. Do vậy, khi lựa chọn hình thức hợp đồng các bên phải dựa trên những điều kiện và tính chất cụ thể của từng gói thầu, tránh áp đặt chủ quan duy ý.

Phó giáo sư Trần Trịnh Tường lưu ý: “Để hệ thống luật pháp về hợp đồng trong xây dựng đi vào thực tế cần nhất thiết thực hiện nghiêm túc Điều 5 (khoản 2, khoản 3), Điều 6 (khoản b, khoản c) được ghi rõ tại Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Hợp đồng trong xây dựng. Cụ thể, các bên phải thực hiện hợp đồng xây dựng trung thực, theo tinh thần hợp tác bảo đảm tin cậy lẫn nhau và đúng pháp luật; không được xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”

Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp xây dựng lớn và một số hãng luật uy tín cũng đã phân tích, đánh giá các điểm mới trong Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Xây dựng sửa đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế để giảm thiểu tối đa rủi ro tranh chấp phát sinh trong hợp đồng xây dựng và các phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục